29/07/2012 - 22:35

Thịt chuột "lên đời" !

Một điểm kinh doanh chuột ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Những năm gần đây, thịt chuột không chỉ được chế biến thành các món ăn khoái khẩu cho dân nhậu mà đã được nhiều hộ gia đình ở cả nông thôn và thành thị đưa vào thực đơn hàng ngày. Nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi nguồn cung các loại chuột đồng có xu hướng giảm nên giá thịt chuột cũng ngày càng đắt so với trước đây.

Chuột làm thịt sẵn bày bán phổ biến tại các quầy thực phẩm tươi sống ở nhiều chợ và một số siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ nên người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua. Tại các quận, huyện ngoại thành như: Ô Môn, Thới Lai... cũng có nhiều điểm bán chuột sống. Tuy nhiên, nguồn chuột đồng tự nhiên đã không còn nhiều và dễ dàng săn bắt như trước, khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao giá thịt chuột cũng trở nên đắt đỏ hơn. Hiện giá các loại thịt chuột đã tăng bình quân từ 5.000- 10.000 đồng/kg so với năm trước. Giá các loại chuột đồng làm sẵn (như chuột cơm, cống nhum) đang ở mức từ 70.000-100.000 đồng/kg; chuột sống: 50.000-70.000 đồng/kg, tùy loại. So với nhiều loại cá thịt khác, thịt chuột hiện đang có giá khá cao. Cụ thể, giá thịt chuột đang cao gấp 2-3 lần so với nhiều loại cá nuôi như: cá tra, trê lai, cá rô phi, điêu hồng...

Các món ăn chế biến từ thịt chuột ngày càng được nhiều người tiêu dùng ở thành thị ưa chuộng và trở thành những món ăn ngon “đặc sản” tại nhiều nhà hàng, quán ăn. Vào tay các đầu bếp, thịt chuột có thể chế biến được hơn cả chục món ăn như: rô ti, xào lăn, nướng, xào rau răm, quay lu, xào lá cách, chiên tươi, chiên sả... Nhiều người tiêu dùng còn chọn mua thịt chuột bởi tin rằng ăn thịt chuột bổ và tốt cho sức khỏe do chuột đồng chủ yếu ăn lúa gạo, bắp, khoai mì và các thức ăn trong tự nhiên (như: cua, ốc...) chứ không ăn các loại thức ăn công nghiệp như nhiều loại vật nuôi hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Bạch Dương, chủ một điểm kinh doanh chuột ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, gắn bó với nghề kinh doanh thịt chuột từ cách đây 2 năm, cho biết: “Trước đây, chuột đồng tự nhiên ở đây rất nhiều, ai muốn ăn chỉ cần săn bắt, không ai nghĩ sẽ kinh doanh thịt chuột. Tuy nhiên, những năm gần đây chuột đồng không còn nhiều nữa, nhiều gia đình ở nông thôn muốn ăn thịt chuột cũng phải ra chợ mua. Nhận thấy đây là cơ hội làm ăn tôi đã bắt đầu liên hệ với các đầu mối để lấy chuột về bán. Bình quân tôi bán được khoảng 20-30kg chuột các loại/ngày, vào ngày lễ Tết có thể bán được 40-50 kg/ngày”. Bà Huỳnh Thị Nhờn, ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Nhiều người dân có nhu cầu ăn thịt chuột, gia đình tôi cũng đã mở điểm kinh doanh để phục vụ bà con. Tuy nhiên, tôi chỉ bán chuột từ khoảng tháng giêng đến tháng 9 hằng năm, thời điểm này có chuột nhiều”.

Khi chuột trở thành món ăn khoái khẩu, nhiều người tham gia săn bắt, việc sử dụng các loại thuốc để diệt chuột đã không còn phổ biến như trước, đây được coi là một tín hiệu vui đối với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, khi thịt chuột trở thành mặt hàng giúp “hái ra tiền” cũng đã nảy sinh một số vấn đề mới cần được sự quan tâm, định hướng của ngành chức năng, nhất là xu hướng phát triển nuôi chuột và việc nhập khẩu chuột. Muốn có nguồn cung thịt chuột trong năm, nhiều điểm kinh doanh thịt chuột phải đặt hàng mua chuột từ rất nhiều các địa phương ở ĐBSCL theo các thời điểm khác nhau trong năm, thậm chí phải mua chuột từ Campuchia về.

Theo các tiểu thương kinh doanh thịt chuột, hiện nay là thời điểm chuột nhập khẩu theo đường tiểu ngạch về tương đối nhiều. Thiết nghĩ, đối với một mặt hàng nhập khẩu còn khá mới và tương đối “nhạy cảm” là chuột thì các ngành chức năng cần phải quan tâm hơn.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết