13/02/2020 - 16:35

Thiên tai khắc nghiệt và những giải pháp ứng phó 

Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ vừa tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Qua đó, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn, khô hạn… năm 2020 được dự báo khắc nghiệt hơn so với những năm gần đây. Nhiều giải pháp phòng tránh, hạn chế ảnh hưởng thiên tai được đặt ra nhằm giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tài sản, ảnh hưởng việc kinh doanh của người dân...

Thiên tai khắc nghiệt hơn

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, mới bước sang năm 2020 hơn 1 tháng, nhưng trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 5 điểm sạt lở bờ sông (quận Bình Thủy 1 điểm, quận Cái Răng 4 điểm), làm sụp đổ hoàn toàn 1 căn nhà, 1 căn nhà bị sạt một phần, 3 căn nhà bị ảnh hưởng và hư hại 140m đường giao thông. Ước tổng thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Hiện trạng vụ sạt lở bờ sông Cái Sắn (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) làm 4 căn nhà của người dân bị sụp đổ vào giữa năm 2019.  

Người dân tại khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy còn nhớ vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào 30 Tết Nguyên đán năm 2020. Đó là khoảng 14 giờ ngày 25-1-2020 (30 Tết), một phần căn nhà của ông Trần Văn Thuận tại khu vực 2, phường Trà An bị sụp đổ xuống sông, khiến gia đình ông không có Tết. Ông Trần Văn Thuận cho biết: “Sáng 30 Tết, tôi phát hiện vết nứt sau nhà nên đã chủ động chuyển đồ đạc, tài sản ra khỏi nhà. Đến chiều sạt lở xảy ra với phần diện tích khoảng 14m. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng đến hỗ trợ gia đình di dời tài sản đến nơi an toàn; quận Bình Thủy cũng hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng khắc phục hậu quả...”.

Năm 2019, TP Cần Thơ chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế do biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai xảy ra trên địa bàn. Nhất là các loại thiên tai: áp thấp nhiệt đới, mưa, triều cường, lốc xoáy, sạt lở... xảy ra nhiều, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, khó lường. Năm 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 37 đợt lốc xoáy, làm 2 người bị thương, 288 căn nhà bị sập, tốc mái, xiêu vẹo; xuất hiện 25 điểm sạt lở bờ sông, rạch, làm 10 căn nhà sụp đổ hoàn toàn, 25 căn sạt một phần và gần 620m đường giao thông bị sụp đổ; xuất hiện 1 đợt triều cường với đỉnh triều cao lịch sử, đạt mức 2,25m (trên mức báo động III là 0,35m) gây ngập nghẹt đường phố, làm 1 người chết và ảnh hưởng sinh hoạt, mua bán, kinh doanh, sản xuất của người dân trên địa bàn... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 21,8 tỉ đồng. Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố và các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống”.

Theo ông Nguyễn Quý Ninh, tại các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, UBND thành phố, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, các sở, ban ngành, UBND và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện đã thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” nên công tác khắc phục thiệt hại được thực hiện khẩn trương, đạt kết quả cao, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, khi thiên tai xảy ra, các đồng chí lãnh đạo thành phố đã kịp thời đến các địa phương chỉ đạo việc khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên, cứu trợ các gia đình bị nạn... Tổng số tiền hỗ trợ thiệt hại và khắc phục khẩn cấp các công trình bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra trong năm 2019 và tháng 1-2020 là 51,61 tỉ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 35 tỉ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ 6,2 tỉ đồng và Quỹ Phòng chống thiên tai của thành phố hỗ trợ 10,409 tỉ đồng…

Chủ động ứng phó

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, mùa khô năm 2020 đang diễn ra gay gắt, đồng thời trong các tháng mùa khô này mưa xuất hiện rất thấp, thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Cụ thể, mưa trái mùa trong tháng 2 và tháng 3 không nhiều, với diện mưa cục bộ và lượng mưa nhỏ đến mưa vừa nên không có khả năng giảm hạn trên địa bàn. Nền nhiệt độ trung bình tại TP Cần Thơ từ nay đến giữa năm 2020 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5- 20C. TP Cần Thơ đang vào thời kỳ giữa mùa khô, nền nhiệt sẽ tăng dần và các đợt nắng nóng sẽ xảy ra trong tháng 4 đến hết tháng 5-2020, với nhiệt độ cao nhất ngày ở mức 36-370C, cần chú ý đề phòng mưa trái mùa kèm gió mạnh, lốc xoáy, sấm sét trong các thời kỳ chuyển mùa vào giữa tháng 4 đến thời kỳ đầu mùa mưa tháng 5-2020...

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020, UBND TP Cần Thơ ban hành chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác PCTT-TKCN ngay từ đầu năm. Qua đó, các sở, ngành, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai trong năm 2020; bố trí cây trồng, mùa vụ sản xuất phù hợp tình hình thực tế. Các địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tiến hành thi công nạo vét các công trình thủy lợi, khai thông dòng chảy, tạo nguồn và đảm bảo dòng chảy được thông thoáng đủ nước bơm tưới khi khô hạn và tiêu thoát lũ nhanh khi ngập úng; tổ chức duy tu, sửa chữa, gia cố đê bao, bờ sông, kênh, rạch nhằm hạn chế sạt lở...

UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trong đó cần tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời dân đến nơi an toàn khi xảy ra thiên tai. Đặc biệt, các địa phương chủ động tổ chức kiểm tra thực tế, rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão; các nơi có nguy cơ sạt lở cao... để có biện pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn...

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Ban chỉ huy PCTT-TKCN các ngành, các cấp tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác PCTT-TKCN trong năm 2019, làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém để chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời, phải xây dựng phương án và triển khai nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2020 sát với tình hình thực tế địa phương, của đơn vị, trong đó, có tính đến yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu; củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp để điều hành, xử lý kịp thời các tình huống xấu; đảm bảo công tác trực chỉ huy, báo cáo và kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó khi thiên tai xảy ra...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thiên tai