07/10/2012 - 17:49

Thị trường tiền tệ đang khơi thông

Khách hàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm "Cho vay hỗ trợ phát triển kinh doanh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ" tại ABBANK Chi nhánh
Cần Thơ. Ảnh: CTV

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, đến tháng 9-2012, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn giảm mạnh so với đầu năm 2012. Điều này chứng tỏ mục tiêu giảm lãi suất đã đạt được kết quả tích cực, thị trường tiền tệ dần đi vào ổn định, huy động vốn tăng và cơ bản đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trên địa bàn.

* Lãi suất đã giảm

Theo báo cáo của NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 51 tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động với 228 địa điểm có giao dịch ngân hàng. Đến cuối tháng 9-2012, vốn huy động của các TCTD ước đạt 31.400 tỉ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm 2012 và tăng 14,59% so với cùng kỳ năm 2011, đáp ứng 77,53% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9 ước đạt 40.500 tỉ đồng, giảm 0,53% so với đầu năm và tăng 1,58% so với cùng kỳ 2011. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: "Tín dụng đối với nền kinh tế trên địa bàn trong quý 3/2012 đã tăng trưởng trở lại, dù vẫn còn âm so với cuối năm 2011. Huy động vốn trong 9 tháng qua tăng hơn 11% so với đầu năm và dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ khá hơn trong thời gian tới. Nợ xấu là 1.600 tỉ đồng, chiếm 3,95% trong tổng dư nợ cho vay song chất lượng tín dụng vẫn trong phạm vi an toàn".

Trong 9 tháng đầu năm 2012, NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ đã chủ động triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến các TCTD trên địa bàn, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các TCTD theo kế hoạch của ngành, thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ. Tính đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay nông nghiệp, phát triển nông thôn chiếm 40% trong tổng dư nợ, tăng 14,52% so với đầu năm. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản chiếm 20%, tăng 18,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay thu mua lúa gạo chiếm 13,5%, tăng 5,47% so với đầu năm. Riêng lĩnh vực cho vay bất động sản chỉ chiếm 5,1% trong tổng dư nợ cho vay, giảm 15,48% so với đầu năm.

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết các TCTD trên địa bàn thành phố đều thực hiện nghiêm túc quy định của NHNN Việt Nam về lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam và bằng đô-la Mỹ. Lãi suất huy động USD phổ biến 2%/năm đối với cá nhân và 0,5%/năm đối với tổ chức kinh tế. Lãi suất cho vay USD phố biến từ 6,5%-9%/năm. Các TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động, mức độ rủi ro của các khoản vay, tiết kiệm chi phí và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN) và hộ dân. Ngoài ra, các TCTD đang triển khai việc đánh giá, rà soát dư nợ các khoản vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất để giúp các DN vượt qua khó khăn theo ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

* Khơi thông dòng vốn

Theo một số ngân hàng thương mại (NHTM) chi nhánh tại TP Cần Thơ, trước đây, các NHTM mạnh tay cho vay đối với DN xuất khẩu gạo và thủy sản vì có dòng ngoại tệ thu về để cung ứng cho ngân hàng, chuyện các công ty xuất khẩu gạo, thủy sản được ngân hàng phân bổ hạn mức tín dụng hàng trăm tỉ đồng là phổ biến. Tuy nhiên, sau sự kiện vỡ nợ của 1 số công ty thủy sản ở TP Cần Thơ và một số địa phương ĐBSCL, các ngân hàng đều thắt chặt tín dụng do lo ngại trước nguy cơ nợ xấu tăng. Vì vậy, khi các NHTM chi nhánh trình hồ sơ vay vốn của khách hàng, Hội sở tiến hành thẩm định kỹ hơn. Ngoài ra, hạn mức cho vay cũng được cân nhắc kỹ và điều chỉnh theo hướng giảm. Các ngân hàng có xu hướng kiểm soát chặt hơn trước, trong và sau vay để đảm bảo lợi nhuận đồng thời tránh rủi ro.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, dù nền kinh tế đang phục hồi song vẫn còn chậm, khả năng hấp thụ vốn của DN còn yếu. Sức mua thị trường suy giảm, hàng tồn kho (sắt, thép, ximăng…) cao là nguyên nhân khiến nhu cầu vốn chưa được khơi thông. Tuy nhiên, các NHTM khẳng định rằng, những DN hoạt động hiệu quả sẽ được ngân hàng ưu đãi, thuận lợi tiếp cận vốn; song nhiều DN không vay vốn thời điểm này vì chưa có nhu cầu. Còn các DN khó khăn có nhu cầu vay vốn lại không đáp ứng các điều kiện, tiêu chí của ngân hàng. Bà Phạm Hoàng Thúy, Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: "Để hạn chế nguy cơ phát sinh nợ xấu, ABBANK đang nỗ lực hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại nợ và cho vay lại nhằm tránh nợ quá hạn. ABBANK cũng cam kết từ nay đến cuối năm giữ vững dư nợ và huy động phát triển tín dụng trong phạm vi an toàn". Theo bà Thúy, để góp phần giúp DN thuận lợi tiếp cận vốn, ABBANK đang triển khai sản phẩm "Cho vay hỗ trợ phát triển kinh doanh dành cho DN vừa và nhỏ" với thời hạn vay linh hoạt, tối đa đến 60 tháng, lãi suất cho vay cạnh tranh, tính theo dư nợ thực tế, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của DN.

Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, các TCTD trên địa bàn đang tích cực triển khai 111 gói hỗ trợ lãi suất và 25 chương trình tín dụng ưu đãi với mức lãi suất phổ biến từ 11-12%/năm cho các DN. NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ đã làm việc với Sở Công thương và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố về các gói hỗ trợ và chương trình tín dụng này để phổ biến đến các DN, tạo điều kiện giúp DN thuận lợi tiếp cận vốn. Mới đây, tại buổi làm việc với NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ và một số NHTM chi nhánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đề nghị các NHTM quan tâm đến các gói hỗ trợ, các chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp, hỗ trợ vốn cho nông dân. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin kịp thời về các gói hỗ trợ theo từng đối tượng khách hàng; làm tốt khâu thẩm định dự án vay, tài sản thế chấp, quá trình giải ngân của các gói tín dụng. Các NHTM trên địa bàn đảm bảo an toàn vốn nhưng vẫn đảm bảo phục vụ cho nền kinh tế phát triển.

MINH HUYỀN

Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm

(CT)- Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, song song với việc ưu tiên vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu… các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố đã tiếp tục giảm dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích. Tính đến cuối tháng 9-2010, dư nợ cho vay các lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 3,32% trong tổng dư nợ cho vay (tổng dư nợ là 40.500 tỉ đồng). Trong đó, cho vay tiêu dùng giảm 32,5%; cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản giảm 13,7% so với đầu năm 2012…

Hiện có 43 TCTD cho vay lĩnh vực bất động sản, với dư nợ chiếm 5,1% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, giảm 15,48% so với đầu năm 2012.

G.B


Khách hàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm "Cho vay hỗ trợ phát triển kinh doanh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ" tại ABBANK

Chia sẻ bài viết