26/01/2013 - 23:57

Thị trường chứng khoán năm 2013 sẽ khởi sắc ?

Sàn giao dịch chứng khóan VNDs Cần Thơ có đông khách hàng trở lại. Ảnh: QV

"Thị trường chứng khoán trong năm 2013 sẽ tăng trưởng khá hơn 2012. Đà phát triển tốt hơn không chỉ trong năm nay, mà cả giai đoạn tới", Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhận định như vậy khi hai tuần đầu tiên của năm 2013 thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh nhất thế giới, chỉ số VN-Index tăng 12% trong khi cả năm 2012 chỉ số này chỉ tăng 17%.

Nhóm cổ phiếu BÐS và VN30 tăng mạnh

Với thông điệp giải cứu thị trường bất động sản (BĐS), giải quyết nợ xấu và xử lý hàng tồn kho đưa ra từ giữa tháng 12 của Chính phủ đã tạo "cú hích" cho thị trường chứng khoán (TTCK) tăng mạnh trong thời gian gần 2 tháng qua. Chỉ số VN-Index đã có chuỗi tăng liền 13 phiên liên tục và chỉ số này đã tăng thêm gần 100 điểm kể từ mốc đáy 375 điểm vào giữa tháng 11-2012 lên chạm mốc 470 điểm vào ngày 16-1-2013. Chỉ số HNX-Index cũng đã tăng khoảng 30% khi đi từ 49 điểm lên 64 điểm trong khoảng thời gian trên.

Tăng mạnh nhất trong đợt này là nhóm cổ phiếu ngành BĐS, vì nhóm cổ phiếu này đã giảm giá khá nhiều trước đó do thị trường BĐS đóng băng, giá BĐS giảm mạnh, doanh nghiệp BĐS thua lỗ hàng loạt do chi phí tài chính tăng cao. Trong số đó có những cổ phiếu tăng gần hoặc hơn gấp đôi như SCR tăng từ 3.800 đồng lên 8.100 đồng/cp, ITA tăng từ 3.500 đồng/cp lên 7.000 đồng/cp, KBC tăng từ 4.500 đồng/cp lên 8.500 đồng/cp, PVX tăng từ 4.000 đồng/cp lên 7.000 đồng/cp, PVL tăng từ 2.500 đồng/cp lên 4.900 đồng/cp.v.v... Kế đến là hàng loạt cổ phiếu trong nhóm tính chỉ số VN30 cũng tăng liên tục do có nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh đã kích thích các nhà đầu tư trong nước mua theo nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, mặc dù năm 2012 kinh tế có nhiều khó khăn nhưng đa phần doanh nghiệp nằm trong nhóm VN30 đều có kết quả kinh doanh rất tốt, điển hình như: VNM năm 2012 đạt 6.900 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế so với vốn điều lệ trung bình của năm 2012 là 5.600 tỉ đồng, DRC đạt lợi nhuận trước thuế 417 tỉ đồng, CSM đạt 340 tỉ đồng, MBB đạt 3.024 tỉ đồng, HSG đạt 401 tỉ đồng, SSI đạt 600 tỷ đồng, DPM đạt 3.600 tỉ đồng vượt 80% kế hoạch của năm.v.v... Tăng mạnh nhất trong nhóm Blue-chips này phải kể đến BVH, đã tăng từ mức đáy 26.000 đồng/cp lên đến 52 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 16-1-2013 mặc dù lợi nhuận trước thuế năm 2012 của BVH chỉ 1.300 tỉ đồng, không quá ấn tượng so với vốn điều lệ 6.800 tỉ đồng.

Anh Đoàn Quốc Việt, Trưởng đại diện Công ty chứng khoán VNDirect chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Trong đợt "sóng" vừa qua nhiều khách hàng "bắt đáy" thành công cổ phiếu SCR đã lãi gấp đôi, gấp ba lần tài khoản của mình nếu như có sử dụng đòn bẩy tài chính của các công ty chứng khoán cung cấp (margin). SCR cũng là cổ phiếu "nóng nhất" và có thanh khoản cao nhất trong đợt sóng vừa qua của sàn HNX.

Nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường

Ngày 9-1-2013, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra nhóm 8 giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường chứng khoán gồm: Thứ nhất, kiến nghị không đưa chứng khoán vào nhóm phi sản xuất để ngân hàng có điều kiện cho vay với lĩnh vực này; Thứ hai, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể là xem xét tháo gỡ khó khăn cho việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong vấn đề huy động vốn qua phát hành trái phiếu, xây dựng tổ chức định mức tín nhiệm, triển khai sản phẩm quỹ hưu trí và các sản phẩm mới về trái phiếu; Thứ ba, giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng khuyến khích hơn dòng vốn này, kiến nghị cho phép thí điểm một số loại hình công ty niêm yết cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt tỷ lệ trên 49%, ngoại trừ ngành kinh doanh có điều kiện, xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) sở hữu trên 49% đến 100% trong các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng không thực sự cần nắm giữ; Thứ tư, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục kéo dài miễn giảm về thuế đối với chứng khoán cho năm 2013, ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới; Thứ năm, tăng thanh khoản cho thị trường; Thứ sáu, tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức có nhu cầu đầu tư lâu dài; Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế, hệ thống giao dịch, chế độ tài chính, kế toán nhằm thúc đẩy các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản...; Thứ tám, tăng cường và nâng cao công tác kế toán, kiểm toán. Trong đó có những giải pháp có hiệu lực ngay như: giảm phí lưu ký chứng khoán; tăng tỷ lệ giao dịch ký quỹ lên tối đa 50:50 áp dụng từ ngày 1-2-2013 và mở rộng biên độ giao dịch của sàn HOSE từ 5% lên 7% và HNX từ 7% lên 10% áp dụng từ ngày 15-1-2013; việc phát hành 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho NĐTNN để nâng room nước ngoài từ 49% lên 59% cũng sẽ được thực hiện trong quý I năm 2013;... để tăng thanh khoản cho thị trường, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho khối này tham gia sâu hơn vào một số loại hình doanh nghiệp.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào TTCK Việt Nam năm 2012 đạt 300 triệu USD, tăng 25% so với năm 2011 nhưng chủ yếu tập trung vào 2 tháng cuối năm và đang tiếp tục tăng trong những tuần đầu năm 2013. Trong 3 tuần đầu năm mới, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 12% so với cuối năm 2012. Đây là mức tăng khá mạnh bởi lẽ trong cả năm 2012, chỉ số VN-Index chỉ tăng được hơn 17% so với năm 2011. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các NĐTNN khi họ liên tục mua ròng gần 2.000 tỉ đồng trong 3 tuần qua. Trong đó dòng vốn đến từ Nhật Bản và Mỹ là rất lớn thông qua việc mua cổ phần một số ngân hàng và cổ phiếu MSN cũng như mua trực tiếp trên sàn.

Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở được Bộ Tài chính ban hành trong năm qua cũng được thị trường đón nhận một cách tích cực, sẽ giúp TTCK phát triển ổn định hơn với sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư có tổ chức và dòng tiền sẽ "đồn trú" lâu hơn trong TTCK qua đó góp phần làm giảm dòng tiền đầu cơ, tác nhân chính làm cho thị trường tăng giảm bất thường, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Tuần qua Quỹ đầu tư Bảo Thịnh VinaWealth là quỹ mở đầu tiên ra mắt TTCK Việt Nam theo thông tư này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng từng nói: "Không lý do gì phải để hệ thống ngân hàng gánh đến 80% nguồn vốn cho nền kinh tế mà phải để việc này cho thị trường vốn làm còn hệ thống ngân hàng sẽ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ tài chính". Thị trường vốn ở đây sẽ bao gồm cả thị trường trái phiếu các loại, thị trường chứng khoán, thị trường phi chính thức (OTC) và các loại giấy tờ có giá khác. Khi sử dụng vốn từ thị trường vốn doanh nghiệp sẽ không bị áp lực phải trả lãi hàng tháng như khi vay vốn của ngân hàng mà thậm chí còn có thể không phải trả cổ tức cho cổ đông nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, kinh doanh không có lãi. Đây chính là nguồn vốn dài hạn mà doanh nghiệp buộc phải tính đến trong xu hướng tái cấu trúc nền kinh tế. Thực tế thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và UBCKNN để phát triển thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng theo hướng này rất tích cực.

TRẦN ÐĂNG

Chia sẻ bài viết