08/08/2007 - 22:21

Giá cả “leo thang”

Thêm gánh nặng mùa khai giảng

Giá cả hàng hóa tiêu dùng thời gian gần đây cứ tăng lên, nhất là các loại hàng hóa có liên quan đến bữa cơm thường nhật. Cùng với mối lo này, giờ đây, nhiều người dân, nhất là những người có thu nhập thấp đang đứng trước nỗi lo mới: chuẩn bị cho con em bước vào năm học mới!

Không thiếu hàng

Hơn tháng nay, thị trường “mùa khai giảng” ở TP Cần Thơ đã nhộn nhịp. Theo khảo sát của chúng tôi, thị trường dụng cụ học sinh rất phong phú: nhiều chủng loại, nhiều mẫu mã đẹp, bắt mắt. Nhưng phần lớn các mặt hàng này giá cả đều tăng so với năm trước. Theo thông tin từ nhiều nhà sản xuất, do giá nguyên liệu đầu vào, giá nhiên liệu, nhất là giá xăng tăng nên giá một số dụng cụ học tập phục vụ năm học 2007-2008 tăng 5-15%; một số loại cặp, túi xách tăng 10%, giá tập tăng trên dưới 5%, đồng phục học sinh các loại tăng 5%...

 

 Phụ huynh, học sinh lựa chọn tập, chuẩn bị cho con em vào năm học mới tại Cửa hàng Sách và Thiết bị giáo dục TP Cần Thơ.
Hiện nay, tại nhiều nhà sách trên địa bàn TP Cần Thơ, giá sách giáo khoa cơ bản cho học sinh cấp một từ 37.400 – 61.000 đồng/bộ; bộ sách giáo khoa cho học sinh cấp 2 dao động từ 64.600 – 86.500 tùy từng lớp, số tiền này chưa tính sách học ngoại ngữ các lớp và sách công nghệ đối với lớp 9. Còn sách giáo khoa cấp 3 cơ bản hoặc theo từng chuyên ban cũng không dưới 100.000 đồng/bộ đối với từng lớp học... Giá tập hiệu Co.op tại Siêu thị Co.opmark Cần Thơ từ 3.000 – 5.800 đồng/cuốn loại từ 70 – 96 trang; tập hiệu Fahasa có giá từ 2.600 đồng – 7.500 đồng/cuốn; tập bán tại nhà sách PNC Cần Thơ (công ty Văn hóa Phương Nam) có giá từ 2.200 – 9.000 đồng/cuốn... Đối với đồng phục học sinh cũng phong phú về chủng loại, mẫu mã và giá cả. Cụ thể: giá các loại áo nữ từ 37.000 – 45.000 đồng/cái; áo nam các loại 50.000 đồng/cái, quần tây xanh học sinh nam có giá từ 22.500 – 80.000 đồng/ cái... Riêng các loại đồng phục có thương hiệu như Việt Tiến, Tây Đô, Nhà Bè : áo sơ mi nam tùy loại có giá từ 55.000–165.000 đồng/ cái; quần tây may sẵn giá từ 75.000–180.000 đồng/cái. Các loại cặp sách học sinh cũng dao động từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng/cái với nhiều mẫu mã kiểu dáng.

Chỉ lo thiếu tiền!

Anh Nguyễn Văn Hoành, ở khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng không có nghề nghiệp ổn định. Hàng ngày, cuộc sống gia đình nhờ vào đồng tiền ít ỏi có được do vợ chồng anh “ai kêu gì, mướn gì làm nấy”, hoặc không thì nhờ vào việc anh chạy xe honda ôm. Nhưng như anh nói: “Trong quê này, ai cũng khó khăn nên ít việc làm lắm. Còn chạy xe honda ôm thì bữa trúng, bữa thất, tằn tiện lắm mới đủ trang trải mọi chi phí trong gia đình”. Khi ra riêng, vợ chồng anh Hoành được cha mẹ chia cho 1,5 công ruộng. Ngặt một nỗi, như anh nói: “Mấy vụ liên tiếp rồi không có tiền phân thuốc và bị rầy nâu phá hại. Riêng vụ này gần như mất trắng. Coi như mấy tháng nữa lại nặng lo thêm tiền chạy gạo hàng ngày”. Vợ chồng anh Hoành có hai đứa con gái. Đứa lớn nay vào lớp 4, còn đứa nhỏ vào học lớp 2. Không đầy tháng nữa là đến ngày khai giảng năm học mới. Vậy mà, hai đứa nhỏ chỉ mới có được hai bộ sách giáo khoa, 10 quyển tập và một số dụng cụ học tập khác như: thước, viết, bảng... Anh Hoành cho biết: “Chỉ mới bấy nhiêu đã gần cả 500.000 đồng. Khai giảng còn phải mua thêm đồng phục học sinh, cặp mới, rồi tiền học phí, nhiều tiền khác nữa. Vợ chồng tôi chạy cơm hàng ngày còn vất vả. Không biết tiền đâu mà lo cho tụi nhỏ bây giờ”.

Gia đình của chị Huỳnh Thị Huệ, khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều có 3 đứa con trai. Năm học này, đứa con thứ hai tiếp tục luyện thi vì vừa thi rớt đại học, đứa con trai thứ ba vào lớp 11, còn đứa con trai út lên lớp 9. Chị cho biết: “Không tính thì thôi. Tính lại giật mình, vì chỉ mới tiền tập viết, sách giáo khoa, cặp da thôi cũng đã lên đến bạc triệu rồi. Mới đây, tôi đi mua đồng phục cho tụi nhỏ. Tính sắm cho mỗi đứa 2 bộ đồ tươm tất một chút. Ai dè giá mắc quá. Như quần tây xanh gần cả trăm ngàn đồng một cái. Còn áo trắng hiệu Khatoco bây giờ đã 70.000 đồng một cái, tăng hơn 10.000 đồng so với trước đây rồi”. Với giá cả khá đắt đỏ như vậy, chị Huệ quyết định tận dụng lại đồ cũ của đứa lớn cho đứa nhỏ. Chị phân trần: “Tựu trường, nào là tiền học phí, tiền học thêm, tiền dành dụm để mua xe gắn máy cho thằng lớn... Cộng các thứ đó lại, thu nhập từ việc bán rau muống hàng ngày của chồng tôi khó có thể kham nổi”.

Sắp bước vào năm học mới 2007, thông tin giá sữa trên thị trường tiếp tục tăng khiến nhiều gia đình có con nhỏ lo lắng. Chị Lan, một cán bộ công chức ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Con tôi năm nay vào lớp 1 bán trú ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Đầu năm học, sơ sơ cũng gần cả 2 triệu đồng, nào tiền học phí, tiền xây dựng, tiền quần áo đồng phục, giày dép... Ngặt một nỗi, cháu chỉ thích hợp uống sữa của hãng Mead Johnson. Giá các loại sữa này mới tăng vùn vụt. Không biết còn tăng nữa hay không, chứ như bây giờ 1 tuần nội tiền sữa cũng đã gần cả triệu bạc. Muốn cho con có đầy đủ sức khỏe, hai vợ chồng phải gắng gồng, chứ biết làm sao bây giờ!”.

Để giảm bớt âu lo

Đầu năm đến nay, giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường cứ tăng cao. Trong khi đó, nhiều mặt hàng hóa nông sản – gắn liền với đời sống của đại bộ phận người dân lao động- giá cả lại ít tăng, thậm chí còn giảm; lương cán bộ công nhân viên chức “cơ bản giậm chân tại chỗ”. Đảm bảo cuộc sống đã khó, đời sống của người dân, nhất là những gia đình có con em trong độ “tuổi ăn, tuổi học, tuổi lớn” sẽ khó khăn gấp bội phần.

Không đầy tháng nữa là cả nước chính thức bước vào năm học mới, năm học 2007-2008. Mới đây, vào ngày 1-8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Ngoài những biện pháp cấp bách yêu cầu các Bộ ngành hữu quan thực hiện, Chỉ thị cũng nhấn mạnh: “Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc quy định giá bán sách giáo khoa, dụng cụ học tập, không để xảy ra tình trạng đầu cơ đẩy giá tăng cao bất hợp lý”. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước hội nhập như hiện nay, như chị Lan ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, tâm sự: “Hầu hết các bậc phụ huynh đều có chung tâm nguyện dù khó khăn mấy cũng cố gắng cho con em học hành để có kiến thức, có trình độ, sau này có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống mới ổn định”. Vì lẽ đó, thiết nghĩ, những chủ trương của Chính phủ rất cần sự quyết liệt thực hiện của chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong việc kiềm chế đà tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng trên thị trường. Có như thế mới mong nhiều học sinh – nhất là học sinh nghèo vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có đủ điều kiện đến trường

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết