21/03/2014 - 21:38

Thế yếu của siêu cường quân sự

Những gì đang xảy ra xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina chưa thể được coi là một cuộc chiến tranh lạnh nếu xét ở góc độ địa chính trị và ý thức hệ giữa phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, dư luận Mỹ lại đang "bất an" vì nhận thấy siêu cường quân sự số một thế giới khó có thể khuất phục, thậm chí thua kém Nga nếu xảy ra xung đột vũ trang qui mô lớn.

Chiến lược quân sự thời Chiến tranh lạnh của Mỹ là tập trung khống chế Liên Xô và giành thắng lợi trong mọi cuộc xung đột quy ước. Thế nhưng từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, quân đội Mỹ chuyển sang học thuyết chiến tranh quy mô nhỏ với các loại vũ khí và phương tiện tác chiến cho cấp tiểu đội thay vì sư đoàn. Nguyên nhân là Lầu Năm Góc quá chú trọng vào cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến khắp Trung Đông và phát động chiến tranh ở Afghanistan, Iraq. Cũng vì phải hao tiền tốn của trên nhiều mặt trận từ sau sự kiện ngày 11-9-2000, lục quân Mỹ đã đóng cửa 100 căn cứ tại châu Âu. Lực lượng không quân Mỹ đóng tại cựu lục địa cũng giảm 75% kể từ năm 1990…

Trong khi đó, Nga không ngừng nâng cao tiềm lực quân sự của mình. Thế hệ mới chiến đấu cơ T-50 của Nga dù chưa đưa vào hoạt động nhưng dự báo đây là loại vũ khí tối tân mà không một phi đội nào của NATO đủ sức đối phó, ngoại trừ những chiếc F-22 và F-35 đang được thử nghiệm của Mỹ. Nước Nga ngày nay còn có hệ thống radar đủ khả năng "bẻ khóa" công nghệ tàng hình mà Mỹ đang sử dụng cho nhiều loại chiến đấu cơ tiên tiến.

Cán cân quân sự mới trên thực tế đã thể hiện rõ qua cuộc chiến tranh ngắn ngày giữa Nga với Gruzia năm 2008 trước sự bất lực của Nhà Trắng vốn đang "sa lầy" trong cuộc chiến tại Iraq. Học thuyết quân sự "đánh lẻ" của Mỹ cũng thua Nga trong cuộc xung đột tại Syrie, nơi Washington hậu thuẫn phe nổi dậy còn Mát-xcơ-va đứng về Tổng thống Bashar al-Assad.

Với tình thế quân sự như vậy, cũng dễ hiểu khi tờ The Daily Beast của Mỹ nhận định Lầu Năm Góc chưa sẵn sàng cho cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết