02/11/2019 - 18:18

Thế lực đang lên của Trung Quốc tại Iraq 

Trong khi giới quan sát Trung Đông cảnh báo tầm ảnh hưởng của Iran tại Iraq đến thời điểm hiện tại quá lớn thì một thế lực đáng gờm hơn là Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này.

 Chủ tịch Tập (phải) tiếp Thủ tướng Abdul-Mahdi trong cuộc gặp hồi tháng 9. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 9 cho biết, nước này sẽ tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc. “Iraq đã đi qua chiến tranh và nội chiến. Chúng tôi rất biết ơn Trung Quốc về sự ủng hộ quý giá. Iraq sẵn sàng phối hợp trong khuôn khổ BRI” – ông Abdul-Mahdi tuyên bố. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay hai nước sẽ hợp tác phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và dầu mỏ, đồng thời khẳng định Bắc Kinh muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Abdul-Mahdi, Baghdad và Bắc Kinh đã ký kết thỏa thuận “đổi dầu lấy tái thiết” mà theo đó các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư tại Iraq để đổi lấy 100.000 thùng dầu/ngày. Thật ra, thỏa thuận này không phải là mới. Năm 2015 khi ông Abdul-Mahdi làm Bộ trưởng Dầu mỏ dưới thời người tiền nhiệm Haider al-Abadi, Iraq đã đăng ký tham gia BRI trong một thỏa thuận dựa trên nguyên tắc đổi dầu lấy dự án xây dựng và đầu tư phát triển. Khi đó, Trung Quốc được trao 100 dự án. Song, thỏa thuận này đã bị đình chỉ do những căng thẳng chính trị và an ninh dẫn đến việc thay đổi nội các.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Abdul Mahdi cho biết cùng với thỏa thuận mới trên, khoảng 20% sản lượng dầu hàng ngày của Iraq đang được xuất sang Trung Quốc, khiến Baghdad trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 4 của Bắc Kinh. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, lượng dầu Iraq xuất qua Trung Quốc đạt mức khoảng 20 tỉ USD.

Từ lâu, việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc là mục tiêu của Iraq, bởi quốc gia giàu dầu mỏ này cần hơn 88 tỉ USD để phát triển và tái thiết cơ sở hạ tầng sau 3 năm chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Hiện Baghdad đang hy vọng sẽ có mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn với Bắc Kinh. Thậm chí, Tổng thống Iraq Barham Salih hồi tháng 8 tuyên bố sẵn sàng tăng cường trao đổi với Trung Quốc ở tất cả các cấp, tăng cường hội nhập chiến lược đối với các chiến lược phát triển của hai nước, thúc đẩy hợp tác chiến lược trong khuôn khổ sáng kiến BRI cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Iraq và Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iraq. Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 30 tỉ USD. Tổng mức đầu tư của Trung Quốc tại Iraq là 20 tỉ USD, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng. 

Cũng không khó hiểu vì sao Trung Quốc “để mắt” tới Iraq. Nhờ có trữ lượng dầu khổng lồ (lớn thứ 5 thế giới) và sở hữu vị trí địa chính trị chiến lược, Iraq được cho sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch thống trị thương mại Á-Âu của Trung Quốc. Địa thế gần gũi của Iraq với các quốc gia  Địa Trung Hải cũng như ở khu vực Vùng Vịnh là một lợi thế dành cho BRI trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực ký kết các thỏa thuận chính thức với Ai Cập, Israel, Lebanon, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, năm 2018, các nước Trung Đông đã nhận được khoản đầu tư trị giá 28 tỉ USD từ Trung Quốc.

Truyền thông Trung Đông ngày 1-11 dẫn lời Đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shi’ite ở Iraq Ali al-Sistani kêu gọi chấm dứt tình trạng đổ máu ở quốc gia Arab này, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến và hỗn loạn sau khi khoảng 200 người thiệt mạng trong những cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc thời gian gần đây.

 Đại giáo chủ al-Sistani bày tỏ sự đáng tiếc trước những cuộc đụng độ tiếp diễn giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Iraq, khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương, đồng thời hủy hoại nhiều tài sản công và tư nhân khác. Theo ông al-Sistani, máu của người vô tội đã đổ xuống trong những tuần vừa qua và Iraq cần khẩn trương triển khai những biện pháp cần thiết để ngăn chặn điều đó. Bên cạnh đó, quốc gia này cần tránh rơi vào vòng xoáy của một cuộc nội chiến, hỗn loạn và hủy diệt.

Ông cũng chỉ trích bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào người biểu tình ôn hòa, kêu gọi điều tra những đối tượng sử dụng bạo lực. Đại giáo chủ al-Sistani cho rằng, cách duy nhất để tất cả các bên chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước này là lòng tin. Ngoài ra, Baghdad cũng cần cẩn trọng trước những cá nhân và tổ chức bên ngoài đang tìm cách lợi dụng và khai thác các cuộc biểu tình tại Iraq. 

Trước tình hình bạo lực đẫm máu, Tổng thống Iraq Barham Salih hôm 31-10 cho biết thủ tướng Adel Abdul-Mahdi đã đồng ý từ chức nếu quốc hội nước này tìm được người thay thế. 

P.V (TTXVN, CNN) 

 

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, AFP)

Chia sẻ bài viết