29/01/2023 - 07:39

Thế giới tăng mạnh chi tiêu quốc phòng 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Bất chấp các cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, nhiều nước trên thế giới trong những năm qua vẫn mạnh tay chi tiêu quốc phòng trước các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng, đặc biệt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17 của Trung Quốc. Ảnh: Guardian

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) trong báo cáo mới đây cho biết tổng chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức 1.981 tỉ USD vào năm 2020, tăng 2,6% so với năm 2019. Báo cáo của SIPRI cũng tiết lộ rằng 5 quốc gia chi cho quốc phòng nhiều nhất vào năm 2020 là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga và Anh.

Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Mỹ hồi năm 2020 ước đạt 778 tỉ USD, tương đương 3,7% GDP nước này. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Trung Quốc là 252 tỉ USD, tăng 1,9% so với năm 2019. Còn ngân sách quốc phòng của Ấn Ðộ chiếm 2,9% GDP. New Delhi đồng thời là nước nhập khẩu vũ khí cao thứ hai thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.

SIPRI cho biết, xu hướng chi tiêu quốc phòng toàn cầu tiếp tục tăng vào năm 2021 và 2022. Theo đó, mức chi tiêu dành cho quân sự thế giới vào năm 2021 lần đầu vượt mốc 2.000 tỉ USD, đạt mức 2.113 tỉ USD, tăng 0,7% so với năm 2020. Trong đó, 5 quốc gia chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Anh và Nga, cùng chiếm 62% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt khoản ngân sách 770 tỉ USD cho chi tiêu quốc phòng cho năm tài chính 2022. Trung Quốc năm 2022 cũng đã tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7,1%, lên mức 229 tỉ USD. Khoản tăng này khiến ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cao hơn gấp 3 lần so với ngân sách quốc phòng của Ấn Ðộ (vào khoảng 76,6 tỉ USD).

Không riêng gì 5 “ông lớn” có “truyền thống” chi tiêu quân sự nhiều nói trên,  Nhật Bản và Ðức cũng tham gia chạy đua vũ trang trong vài năm trở lại đây. Nhằm mục đích cung cấp cho Nhật Bản “năng lực phản công” có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù và tự bảo vệ nước này khỏi những rủi ro ngày càng tăng từ Triều Tiên và Trung Quốc, nội các xứ hoa anh đào hồi cuối năm ngoái đã thông qua gói chi tiêu quân sự “khủng” lên tới 6,8 ngàn tỉ yen (tương đương 55 tỉ USD), cao hơn 20% so với ngân sách quốc phòng của nước này vào năm 2022. Ðây chỉ là một phần của gói ngân sách trị giá 863 tỉ USD và bắt đầu được áp dụng từ tháng 4-2023.

Ngay từ khi Nga bắt đầu phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Ðức tuyên bố chi tiêu quân sự ở mức 100 tỉ euro. Ðức không phải là quốc gia duy nhất tại lục địa già chứng kiến sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng. Thủ tướng Thụy Ðiển Magdalena Andersson hồi đầu tháng 3 năm ngoái tuyên bố nước này sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng. Ông Andersson khi đó bày tỏ những mối lo ngại về an ninh của Thụy Ðiển và cho biết “khả năng phòng thủ của Stockholm cần được tăng cường và việc tái vũ trang cần phải được tiến hành”. Theo ông Andersson, Thụy Ðiển tuy không bị một cuộc tấn công vũ trang đe dọa trực tiếp nhưng mức độ đe dọa chung ngày càng gia tăng. Ðược biết, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thụy Ðiển đã cắt giảm chi tiêu quân sự. Chỉ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, quốc hội nước này mới đồng ý đưa ra sự thay đổi.

Trước những lo ngại về mất an ninh toàn cầu, các quốc gia nhỏ hơn như Romania, Ðan Mạch và Ba Lan cũng đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hồi tháng 9 năm ngoái tuyên bố nước này sẽ chi từ 100-130 tỉ zloty (khoảng 21,4-27,8 tỉ USD), tương đương 3-4% GDP cho việc nâng cấp quân đội vào năm 2023.

Trong giai đoạn 2018-2022, mức chi tiêu của Úc dành cho mua sắm, nghiên cứu và thiết kế quốc phòng đã tăng từ mức 8,2 tỉ USD lên con số 12,2 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10,3%.

Chia sẻ bài viết