03/06/2008 - 09:32

Thế giới chung sức đối phó với khủng hoảng lương thực toàn cầu

Một điểm bán gạo ở Bangladesh. Ảnh: Washingtonpost

Hôm nay 3-6, hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng lương thực toàn cầu khai mạc tại Roma (Italia) với sự tham gia của hơn 40 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới. Hội nghị, diễn ra trong 3 ngày, tập trung vào các giải pháp đối phó tình trạng thiếu lương thực và giá cả leo thang.

Giá hầu hết các loại thực phẩm thiết yếu tăng tới mức cao nhất trong vòng 30 năm qua, đẩy 100 triệu người trên thế giới vào cảnh thiếu đói. Hiện thế giới có khoảng 1 tỉ người đang sống dưới mức cực nghèo (chưa tới 1 USD/ngày) và nhiều người trong số họ chi hơn 80% thu nhập cho lương thực. Mỗi năm có khoảng 3,5 triệu trẻ em thiệt mạng vì suy dinh dưỡng và khoảng 1/3 trẻ em ở các nước đang phát triển yếu kém về thể trạng và tinh thần do thiếu ăn.

Tại hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ trình bày bản dự thảo kêu gọi các nước hợp tác đối phó khủng hoảng lương thực, thành lập lực lượng đặc nhiệm chuẩn bị kế hoạch hành động toàn cầu. Lực lượng đặc nhiệm gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các cơ quan lương thực của LHQ. Chiến lược chống khủng hoảng bắt đầu bằng các giải pháp ngắn hạn nhằm “khẩn cấp gia tăng tiếp cận lương thực” và giảm giá gạo, lúa mì, bắp cùng các loại thực phẩm thiết yếu khác. Mục tiêu trước mắt là đảm bảo nguồn viện trợ cho những người bị đói nhất thế giới và nông dân trên toàn cầu sẽ có hạt giống và phân bón để gieo trồng trong mùa vụ tới. Các quan chức LHQ cho biết chiến lược này có thể cần tới 15 tỉ USD.

Nỗ lực trên của LHQ nhận được sự ủng hộ bước đầu khi Nhật Bản đồng ý cắt giảm lượng gạo dự trữ. Nhật cũng cam kết viện trợ lương thực khẩn cấp trị giá 100 triệu USD và hứa sẽ hỗ trợ châu Phi tăng gấp đôi sản lượng gạo trong 10 năm tới. Trong khi đó, sau nhiều lần cảnh báo nguy cơ thiếu quỹ cho viện trợ lương thực do chi phí tăng thêm, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vừa nhận được cam kết tài trợ 500 triệu USD từ Arabie Séoudite. IMF cũng bắt đầu cung cấp tài chính cho khoảng 15 nước nghèo nhất thế giới để bù vào phần chi phí nhập khẩu, còn WB thông báo sẽ dành 1,2 tỉ USD hỗ trợ nông nghiệp, trong đó 200 triệu USD giúp các nước nghèo nhất như Djibouti, Haiti và Liberia.

Lực lượng đặc nhiệm LHQ còn đưa ra các giải pháp trung và dài hạn nhằm thúc đẩy sản lượng lương thực toàn cầu. Dự kiến hội nghị sẽ kêu gọi các nước tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, đường sá, hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn. LHQ cũng giục Mỹ và các nước khác xem xét bãi bỏ dần các khoản trợ cấp sản xuất nhiên liệu sinh học, đồng thời giảm thuế nhập khẩu nông sản và trợ cấp xuất khẩu, vốn không công bằng với nông dân các nước nghèo.

N.MINH (Theo Washingtonpost, Global Trends, Reuters)

Chia sẻ bài viết