06/02/2021 - 08:45

Thế giới cần 7 năm để chấm dứt đại dịch? 

Với tốc độ tiêm vaccine hiện nay, Hãng tin Bloomberg dự đoán thế giới sẽ mất 7 năm để kết thúc đại dịch COVID-19.

Thế giới đang chứng kiến chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, với tốc độ 4,54 triệu liều/ngày. Ảnh: Bloomberg

Câu hỏi “Khi nào đại dịch sẽ kết thúc?” được đặt ra nhiều nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát trên thế giới đầu năm ngoái. Giờ đây, câu trả lời có thể tìm thấy thông qua đánh giá tốc độ tiêm vaccine. Bloomberg đã xây dựng một hệ thống dữ liệu lớn nhất về các mũi tiêm vaccine COVID-19, với hơn 119 triệu liều đã được thực hiện tại 67 quốc gia. Theo đó, hệ thống Vaccine Tracker của Bloomberg cho thấy một số nước đang đi xa hơn hẳn những quốc gia khác trong quá trình tiêm vaccine, với đích đến là 75% dân số được tiêm 2 liều vaccine. Ðơn cử như Israel, quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, đang hướng tới mục tiêu 75% dân số được tiêm ngừa chỉ trong 2 tháng.

Do tốc độ tiêm vaccine ở các nước giàu nhanh hơn so với những quốc gia còn lại, nên thế giới sẽ cần 7 năm mới chấm dứt được đại dịch. Dù vậy, tính toán này có thể sẽ thay đổi, đặc biệt khi những ngày đầu phân phối vaccine bị gián đoạn tạm thời. Chẳng hạn tại New York (Mỹ), chương trình tiêm ngừa vaccine đã không diễn ra liên tục do thời tiết khắc nghiệt của mùa đông, trong khi tỷ lệ tiêm ngừa ở Canada giảm phân nửa những tuần gần đây vì chậm trễ ở khâu vận chuyển vaccine. Dựa trên tốc độ chủng ngừa mới nhất của Canada, nước này sẽ phải mất hơn 10 năm mới đạt được tỷ lệ 75% dân số tiêm vaccine. Nhưng điều đó không đồng nghĩa người dân xứ sở lá phong phải chịu cảnh 1 thập niên giãn cách xã hội. Canada đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất để mua tới 414 triệu liều vaccine, gấp khoảng 5 lần so với nhu cầu của người dân, và tỷ lệ tiêm chủng dự kiến sẽ tăng. Tốc độ này nhiều khả năng được đẩy cao hơn khi thế giới có thêm nhiều loại vaccine. Một số công xưởng sản xuất vaccine lớn nhất thế giới ở Ấn Ðộ và Mexico thật ra chỉ mới khởi động.

Hơn 8,5 tỉ liều vaccine đã được các quốc gia đặt mua từ các hãng dược. Trong đó, chỉ 1/3 số quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine. Các nhà khoa học Mỹ như Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia cho biết, sẽ cần tới 70-85% dân số thế giới được tiêm vaccine để cuộc sống trở lại bình thường.

Khi nào Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng?

Ðầu tháng 12 năm ngoái, ông Joe Biden cam kết sẽ tiêm 100 triệu liều vaccine cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức kể từ 20-1-2021. Ðiều này đồng nghĩa trung bình mỗi ngày khoảng 1 triệu liều vaccine được tiêm. Mỹ đã đạt tốc độ đó trong ngày nhậm chức, nhưng sẽ phải duy trì nó trong 3 tháng tiếp theo thì ông Biden mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng nói rõ mục tiêu của ông không có nghĩa 100 triệu người nhận 2 mũi vaccine, mà là 100 triệu liều vaccine được tiêm. Cả hai chế phẩm của các hãng dược Moderna và Pfizer-BioNTech đều đòi hỏi phải tiêm đủ 2 liều để phát huy tác dụng ngừa bệnh. Vậy Mỹ mất bao lâu để có 70% dân số nhận đủ 2 liều vaccine, qua đó tạo được miễn dịch cộng đồng?

Mỹ có khoảng 330 triệu dân và 70% con số này tương đương 231 triệu người. Do hiện chỉ có hai vaccine của Moderna và Pfizer-BioNTech, nên Mỹ cần 462 triệu liều để tiêm đủ cho 231 triệu người. Và với tốc độ tiêm 1 triệu liều/ngày, xứ cờ hoa sẽ mất hơn 460 ngày, tức rơi vào khoảng nửa đầu năm 2022, mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Chính quyền ông Biden dự kiến sẽ tăng đáng kể tốc độ tiêm vaccine trong những tuần tới. Trước đó, chủ nhân Nhà Trắng muốn từng bước nhích lên 1,5 triệu liều/ngày. Nhưng nếu Mỹ có khả năng nâng tốc độ tiêm vaccine lên 2,4 triệu liều/ngày thì họ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trước ngày Quốc khánh 4-7 năm nay.

Ðó là chưa kể có những vaccine hứa hẹn chỉ cần 1 liều tiêm duy nhất, chẳng hạn như chế phẩm của Johnson & Johnson (Mỹ), nên thời điểm trên có thể thay đổi.

Ngày 4-2, Johnson & Johnson đã yêu cầu các cơ quan quản lý Mỹ cấp phép cho vaccine COVID-19 của hãng. Một lợi thế nữa của vaccine này là không cần bảo quản ở nhiệt độ đóng băng như các chế phẩm của Pfizer và Moderna. Dự kiến trong vài tuần tới, Johnson & Johnson cũng sẽ nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine của mình tại châu Âu.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết