19/02/2017 - 15:46

Thấy rõ hiệu quả “3 giảm, 3 tăng”

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nông dân áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" vào sản xuất lúa hàng hóa, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập. Ngoài ra, áp dụng kỹ thuật canh tác nêu trên, nông dân sạ thưa, bón phân cân đối… nên lúa ít bị sâu bệnh, đổ ngã. Đặc biệt, vụ đông xuân 2016-2017, nhiều nông dân áp dụng "3 giảm, 3 tăng", lúa cho năng suất khá cao.

Nông dân Huỳnh Văn Oanh ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, canh tác 22 công tầm lớn. Nhận thấy sản xuất theo phương pháp sạ dày lúa dễ bị sâu bệnh, nhất là đạo ôn, nên ông Oanh tìm hiểu và áp dụng "3 giảm, 3 tăng" khoảng 5-6 năm nay. Ông giảm dần lượng giống gieo sạ từ 30kg xuống còn 25kg, rồi 17-18 kg/công. Đồng thời, lượng phân bón cho lúa cũng giảm khoảng 5-7 kg so với trước và chỉ còn bón dưới 45 kg/công trong vụ đông xuân 2016-2017.

 Lúa đông xuân 2016-2017 của nông dân Huỳnh Văn Oanh không bị đổ ngã, trúng mùa nhờ áp dụng “3 giảm, 3 tăng”.

Ông Huỳnh Văn Oanh cho biết, áp dụng "3 giảm, 3 tăng" thấy hiệu quả, nên về sau ông càng giảm lượng giống gieo sạ và phân bón hơn. Cách đây khoảng một năm, ông còn được tham gia lớp tập huấn "3 giảm, 3 tăng" do Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tổ chức, giúp ông nắm bắt được toàn bộ kỹ thuật canh tác này và áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn. "3 giảm, 3 tăng" góp phần giảm chi phí đáng kể cho nông dân, trong khi năng suất từ bằng đến hơn so với sản xuất theo tập quán cũ. Tính ra kỹ thuật canh tác này đã giúp ông tăng thêm lợi nhuận từ 2,7-3 triệu đồng/ha/vụ.

Ngoài ra, "3 giảm, 3 tăng" sạ thưa và bón phân cân đối nên lúa cứng cây và ít bị sâu bệnh, đổ ngã, nên nông dân yên tâm trong sản xuất. Điển hình, vụ đông xuân năm nay, mặc dù gặp thời tiết bất lợi, mưa trái mùa nhưng ruộng lúa Jasmine của ông gần như không bị đổ ngã. Dự kiến thu hoạch 22 công lúa vào ngày 24-2-2017 (âm lịch), năng suất khoảng 1 tấn/công, bán giá 5.000 đồng/kg, trừ chi phí ông Oanh còn lời hơn 55 triệu đồng…

Theo ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, nông dân sạ dày và bón phân thừa đạm là cơ hội cho các loại sâu bệnh bộc phát, đồng thời lúa cũng dễ bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, mưa nhiều. Trên thực tế, trong vụ đông xuân 2016-2017, nhiều nông dân ở Cờ Đỏ sạ dày, bón thừa phân đạm nên lúa đã bị đổ ngã, giảm năng suất đáng kể. Nhiều nông dân sạ dày cũng cho biết sẽ quan tâm giảm lượng giống gieo sạ trong vụ hè thu 2017 và các vụ lúa tới đây.

Nông dân Võ Văn Huyền ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cho biết, vụ đông xuân ông canh tác 40 công tầm lớn, lượng giống gieo sạ đã giảm từ 30 kg/công trước đây xuống còn 25 kg/công nhưng vẫn còn dày. Ông cũng bón phân tương đối nhiều, hơn 50 kg/công. Do sạ còn dày và bón nhiều phân đạm, đồng thời thời tiết năm nay bất thường, gặp những trận mưa trước và sau Tết Nguyên đán nên lúa ngã sập trên 70%, năng suất chỉ còn hơn 600 kg/công (giảm khoảng hơn 400 kg/công so với vụ đông xuân năm trước). Thất mùa, tính ra vụ đông xuân năm nay ông có thể lỗ nếu tính luôn tiền thuê đất làm… Theo ông Huyền, qua kinh nghiệm cho thấy, sạ dày, bón nhiều phân đạm, lúa bị áp lực sâu bệnh lớn, lúa cũng dễ bị đổ ngã. Do đó, trong vụ hè thu 2017, ông sẽ giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 20 kg/công là vừa, bón phân đạm cũng ít lại. Sạ thưa lúa, việc bón phân, xịt thuốc dễ dàng hơn… 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết