17/06/2015 - 21:46

Thay đổi tư duy - làm nông nghiệp theo GAP

Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành “Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên rau quả tươi an toàn”, đánh dấu sự ra đời của VietGAP (GAP - Thực hành nông nghiệp tốt) tại Việt Nam. Tại TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp đã chủ động tổ chức sản xuất theo hướng GAP trên những sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: rau quả, lúa, thủy sản... Thế nhưng, sau khoảng thời gian dài ứng dụng vào thực tế, sản xuất theo quy trình GAP tại TP Cần Thơ bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc, một số nông dân dần quay lưng với quy trình sản xuất hiện đại này...

* Vì sao nông dân chưa mặn mà

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: “Huyện Phong Điền đã có nền tảng cơ bản trong xây dựng quy trình sản xuất rau, quả an toàn theo hướng VietGAP. Bởi sản xuất theo quy trình VietGAP có những điểm tương đồng với mô hình trồng rau an toàn, cây ăn trái (dâu Hạ Châu, nhãn Vàm Xáng) và thủy sản mà huyện triển khai thực hiện từ trước, như: ghi nhật ký sản xuất, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), nguyên tắc “4 đúng”... Bên cạnh đó, nhiều nông dân đã được tập huấn về sản xuất an toàn theo VietGAP. Tuy nhiên, do chưa được huấn luyện đầy đủ nội dung của VietGAP nên nông dân thấy rườm rà, khó thực hiện. Điều cốt lõi là nông dân vẫn chưa có niềm tin sản xuất theo GAP sẽ mang lại kết quả cao hơn cách làm thông thường.

Đại diện Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 6 trao Giấy Chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác Đồng Vạn, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. 

Ông Nguyễn Văn Giàu, nông dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, nói: “Trồng rau theo VietGAP, chúng tôi phải “gò mình” vào khuôn khổ: ghi chép nhật ký sản xuất, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật IPM, nguyên tắc “4 đúng”… Trong khi rau trồng theo VietGAP hay theo truyền thống thì ra đến chợ giá bán vẫn tương đương nhau”. Đồng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Ngọc Liêm, Trưởng Ban Quản lý “Cánh đồng lớn”, ấp G2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, làm lúa theo GAP những rủi ro về giá bán, năng suất, chi phí nông dân phải chịu. Chẳng hạn, sản xuất theo GAP, nếu lúa bị rầy nâu mà sử dụng thuốc an toàn cao thì chi phí gấp đôi so với thuốc không an toàn. Ngoài ra, nông dân còn phải đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc, còn trong thời gian cách ly mà phun thì không được chứng nhận. Trong khi đó, nếu “bỏ liều”, năng suất lúa bị ảnh hưởng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Thực tế cho thấy, khi triển khai ở dạng mô hình trình diễn, doanh nghiệp thu mua lúa cao hơn giá thị trường (khoảng 20%-30%) nhưng nếu thực hiện đại trà, doanh nghiệp không đủ năng lực để thu mua với mức giá này.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực-Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, cho rằng: Thông thường khi tiếp cận tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mới, người nông dân thường suy nghĩ sẽ rất tốn kém vì phải đầu tư thiết bị, dụng cụ; sử dụng vật tư nông nghiệp chất lượng… Tính toán ban đầu làm cho nông dân thấy chi phí đầu tư cao hơn trong khi lợi nhuận thu được phải đến lúc thu hoạch và bán sản phẩm thì mới được chứng minh. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nông dân ngán ngại bắt tay vào sản xuất theo GAP. Mặt khác, cho đến nay, Bộ NN&PTNT chỉ khuyến khích, định hướng nông dân sản xuất theo quy trình GAP nhưng chưa có chính sách, biện pháp hỗ trợ cụ thể. Đặc biệt, Nhà nước vẫn chưa thể hiện được vai trò “cầu nối” tổ chức được thị trường tiêu thụ sản phẩm...

* Thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Theo đánh giá của giới chuyên môn, với trình độ thâm canh cao và khả năng ứng dụng các giải pháp tiên tiến vào quá trình sản xuất như: IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái…, nông dân ĐBSCL hoàn toàn có đủ khả năng tiến tới sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Vấn đề mấu chốt là phải thay đổi tư duy sản xuất để nông dân hiểu rằng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là yêu cầu mang tính bắt buộc, cần phải có khi nông sản Việt Nam hội nhập thế giới. “Muốn nâng cao giá trị và lợi nhuận thì phải tiến hành sản xuất ra hàng hóa nông sản an toàn và đường đi đến đó là sản xuất theo quy trình GAP. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới thực sự bền vững và đời sống, thu nhập của nông dân mới từng bước được cải thiện. Mỗi nông dân cần có ý thức ghi chép nhật ký sản xuất, mỗi cánh đồng, mỗi khu vườn phải sản xuất theo quy trình GAP kết hợp lại thành những vùng nguyên liệu lớn thì trong nhiều năm tới mới hy vọng nâng cao chuỗi giá trị nông sản” - Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực – Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, bày tỏ.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, để các quy trình GAP đi vào thực tế sản xuất, vai trò quản lý Nhà nước là điểm mấu chốt. Các bộ ngành hữu quan cần đề ra cơ chế, chính sách để quản lý, phân biệt giữa sản phẩm GAP và sản phẩm thường. Nếu làm được điều này thì hành vi sản xuất của nông dân sẽ từng bước thay đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tài trợ, hỗ trợ ban đầu cho nông dân áp dụng GAP là cần thiết. Tuy nhiên, để quy trình GAP thực hiện bền vững, vấn đề cốt lõi là cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, phải quy hoạch vùng sản xuất áp dụng GAP tập trung, có sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp để sản phẩm thỏa mãn yêu cầu và hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân. Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên kết để tạo thành đầu mối cung cấp sản phẩm GAP, kết nối với nhau để đàm phán trong ký kết hợp đồng với đối tác, tạo ra đột phá về giá bán…

Thời gian qua, người nông dân ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đã quen với việc tiêu thụ nông sản thông qua hệ thống thương lái. Đa phần, thương lái quan tâm đến hình thức bên ngoài để quyết định chất lượng, ít quan tâm đến độ an toàn của sản phẩm. Người sản xuất cũng ít bận tâm nhiều đến việc sản phẩm mình làm ra sẽ đi về đâu. Chính tình trạng “mua đứt, bán đoạn” nói trên làm vấn đề truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của VietGAP trở nên khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, áp dụng các tiêu chuẩn GAP vào sản xuất nông nghiệp là tiến trình lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực từ “4 nhà”. Trước mắt, việc ghi chép sổ tay đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu không bắt đầu từ việc ghi chép sổ tay thì rất khó tiến hành các công việc còn lại theo tiêu chí GAP. Ngoài ra, để sản xuất lúa theo GAP thành công như mong muốn thì mối liên kết “4 nhà” cần tiếp tục phát huy để cùng đề ra chiến lược trong việc hình thành vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GAP, xây dựng và phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm lúa gạo, thủy sản và trái cây sản xuất theo quy trình GAP…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết