09/04/2019 - 21:15

Thay đổi tập quán, nâng cao kỹ thuật canh tác 

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị trực thuộc, các địa phương đã triển khai chương trình phát động giảm khối lượng giống lúa gieo sạ trong canh tác lúa ở ĐBSCL. Chương trình này với mục tiêu giảm lượng giống lúa, giảm chi phí đầu vào, giảm phân thuốc và tăng năng suất, sản lượng lúa gạo. Song để nhân rộng mô hình, cần tuyên truyền sâu rộng để nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao nhận thức, kỹ năng trong việc tự quản lý lượng giống sạ phù hợp.

Nông dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long giảm lượng giống lúa gieo sạ xuống còn 80-120kg/ha. Ảnh: MINH HUYỀN

Nông dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long giảm lượng giống lúa gieo sạ xuống còn 80-120kg/ha. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo Cục Trồng trọt, chương trình giảm lượng giống gieo sạ tại các tỉnh ĐBSCL được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động từ tháng 2-2016. Kết quả cho thấy, lượng giống lúa gieo sạ dưới 100kg/ha đang có chuyển biến tích cực. Lượng giống gieo sạ trên 150kg/ha có chiều hướng giảm. Xu hướng gieo sạ từ 120-130kg giống/ha đang được triển khai nhiều tại các tỉnh. Ngoài ra, nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha có kết quả tốt và đang tuyên truyền nhân rộng.

Hầu hết các tỉnh ở ĐBSCL đều triển khai kế hoạch và thực hiện giảm lượng giống gieo sạ. Qua khảo sát từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, ở vụ đông xuân 2014-2015, khối lượng hạt giống lúa gieo sạ dưới 100kg/ha chiếm tỷ lệ 12,89%; từ 100-150kg/ha chiếm đến 59,99%; tỷ lệ gieo sạ trên 150kg/ha chiếm 27,12%. Thực hiện chương trình giảm lượng giống lúa gieo sạ, tỷ lệ sử dụng giống đã có sự thay đổi qua từng năm và đến vụ đông xuân 2019, khối lượng hạt giống lúa gieo sạ dưới 100kg/ha đã tăng lên 18%; từ 100-150kg/ha chiếm 65%; tỷ lệ gieo sạ trên 150kg/ha đã giảm xuống còn 17%. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nhìn chung, có sự chuyển biến về việc giảm lượng giống gieo sạ và giảm rõ ở mức gieo sạ trên 150kg/ha. Tuy nhiên vẫn còn biến động rất lớn giữa các tỉnh và các vụ sản xuất. Do đó, cần nâng cao nhận thức và kỹ năng của nông dân trong việc tự quản lý lượng giống sạ phù hợp, góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất trong canh tác lúa ở ĐBSCL. Thực hiện các giải pháp kỹ thuật giảm khối lượng giống gieo sạ xuống còn 100-120kg/ha. Đồng thời, quản lý và sử dụng giống lúa xác nhận tăng trên 80% diện tích gieo trồng.

Thực tế cho thấy, nông dân sử dụng nhiều lúa giống để gieo sạ với tâm lý phòng trừ hao hụt trong những trường hợp bề mặt ruộng không bằng phẳng, ruộng lúa bị sâu bệnh hay bị chuột, ốc cắn phá, sạ dày để tăng năng suất… Đó là chưa kể việc chênh lệch về trình độ kỹ thuật canh tác cũng tác động đến việc giảm lượng giống gieo sạ. Ông Võ Văn Rô, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú (xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), chia sẻ: Từ năm 2015 trở về trước, bà con nông dân trong xã thường gieo sạ lúa giống từ 180-200kg/ha. Từ khi tham gia hợp tác xã vào năm 2016 đến nay, xã viên được tập huấn kỹ thuật và được cung ứng giống xác nhận từ doanh nghiệp bao tiêu lúa hàng hóa nên lượng giống gieo sạ chủ yếu ở vụ đông xuân vào khoảng 120kg/ha và vụ hè thu khoảng 150kg/ha. Trong hợp tác xã cũng có xã viên chỉ gieo sạ khoảng 80kg/ha nhưng chỉ những xã viên sản xuất giỏi mới có mức giảm lượng giống lúa nhiều hơn so với mặt bằng chung.

Giống là yếu tố tiên quyết, hàng đầu trong canh tác lúa. Trong kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải 5 giảm", yêu cầu về giảm giống được đặt lên hàng đầu, kèm theo đó là việc phải sử dụng giống xác nhận. Việc sử dụng giống xác nhận cũng là nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ thay vì nông dân sử dụng lại lúa thịt, lúa hàng hóa để làm giống. Chi phí mua giống xác nhận sẽ cao hơn nhưng với việc đảm bảo nguồn gốc, tiêu chuẩn, chất lượng sẽ đảm bảo cho nông dân gieo sạ với lượng giống ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Đáp ứng được yêu cầu giảm giống và sử dụng giống xác nhận sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, cây lúa sinh trưởng khỏe hơn, để nhánh tốt hơn, hạt lúa mẩy hơn, kéo theo năng suất tăng lên…

Theo ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm chủ trì Dự án Giảm lượng Giống gieo sạ ở ĐBSCL và các tỉnh ở Duyên hải Nam bộ từ năm 2016 với mục tiêu là xây dựng các mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha nhằm đối chứng trên diện rộng. Trong giai đoạn này, Viện Lúa ĐBSCL cũng xây dựng mô hình truyền thông về giảm lượng giống gieo sạ với việc gieo sạ lượng giống khác nhau ở nhiều thửa ruộng liền kề để đối chứng, so sánh. Kết quả là có những mô hình chỉ gieo sạ 60kg lúa giống/ha vẫn cho kết quả tốt. Về lâu dài, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương phải tham gia, thuyết phục nông dân cùng thực hiện để mô hình giảm giống lúa lan tỏa nhanh hơn. Ông Trần Văn Khởi, nhấn mạnh: Từ kết quả dự án, chúng ta không trông đợi là toàn bộ diện tích canh tác phải giảm ngay lượng giống sạ xuống còn 80kg/ha. Có thể là từ các mô hình đã xây dựng, những nông dân trong mô hình và các hộ lân cận đang gieo sạ từ 150kg/ha giảm dần lượng giống xuống từ 100-120kg/ha là đã hiệu quả. Thời gian tới, khuyến nông các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần tiếp tục tranh thủ nguồn kinh phí địa phương để xây dựng mô hình giảm lượng giống lúa gieo sạ gắn với chuyển giao kỹ thuật và tiến tới nhân rộng vào sản xuất.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết