Hỗ trợ kỹ thuật cho đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL
(CT) - Tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa tổ chức họp tổ công tác đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì họp Tổ công tác. Cùng dự họp có đại diện WB, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ĐBSCL.
Các địa phương đề xuất Bộ KH&ĐT cùng WB hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các dự án sử dụng vốn ODA từ WB.
Theo Bộ KH&ĐT, hiện Việt Nam có 10 hiệp định vay vốn WB với tổng vốn vay cam kết 2 tỉ USD, vốn vay đã giải ngân 1,2 tỉ USD, phần chưa giải ngân 1 tỉ USD. Trong đó, đối với các dự án, hiệp định kết thúc vào cuối tháng 6-2024 cần tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại và hoàn tất công tác thanh, quyết toán trong thời gian tới. Trong đó các dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL; các dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải, các dự án mở rộng nâng cấp đô thị ĐBSCL các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang; dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị…
Một số dự án cần WB ủng hộ tiến hành thủ tục kéo dài thời hạn. Đối với các dự án, hiệp định kết thúc sau tháng 6-2024 cần kéo dài thời gian để hoàn thành các hạng mục đầu tư như: 3 dự án phát triển các đại học quốc gia Việt Nam, dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên của Bộ Giao thông vận tải, dự án phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đang tái cấu trúc, các dự án đô thị động lực tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
Bên cạnh các dự án đang triển khai, phía Việt Nam đang chuẩn bị, tiến hành thủ tục của 38 dự án với tổng nhu cầu sử dụng vốn vay WB khoảng 3 tỉ USD. Các dự án mới cũng gặp một số khó khăn như chậm tiến hành hoặc chậm hoàn thành thủ tục đàm phán Hiệp định vay, các vướng mắc về cơ chế, căn cứ pháp lý…
Tại cuộc họp, các địa phương kiến nghị Bộ KH&ĐT, WB tiếp tục hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ và đơn giản hóa thủ tục đàm phán, ký và phê chuẩn hiệp định sử dụng vốn vay WB; giải quyết khó khăn liên quan đến xác định cơ quan chủ quản dự án do công ty con thuộc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là chủ đầu tư, trong đó có dự án tăng cường hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo (dự án REACH), hỗ trợ cơ chế tài chính cho vay lại 10% vốn vay nước ngoài đối với các dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (dự án MERIT) của địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Bộ sẽ ghi nhận các vấn đề vướng mắc khó khăn của các địa phương về việc ân hạn thời gian giải ngân các dự án đã kết thúc hiệp định vay để tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội. Đối với các dự án triển khai mới cần tập trung đẩy nhanh thủ tục theo quy định để tạo thuận lợi trong việc thực hiện các cơ chế tài chính và triển khai dự án hiệu quả…
► Chiều 29-6, Bộ KH&ĐT cùng WB, Bộ NN&PTNT, đại diện 12 địa phương ở ĐBSCL họp bàn về đề xuất dự án sử dụng vốn vay WB hỗ trợ thực hiện đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Dự án hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL do Bộ NN&PTNN là chủ quản dự án cùng UBND 12 tỉnh/thành phố tham gia dự án. Đơn vị đề xuất dự án cùng chủ dự án dự kiến là Ban quản lý các Dự án Nông nghiệp và Sở NN&PTNT 12 tỉnh/thành phố tham gia dự án. Nhà tài trợ dự kiến là WB với thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2026-2031.
Mục tiêu của đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Dự án có 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1, phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp (ước tính 404,9 triệu USD trong đó vốn WB khoảng 327,5 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ và các địa phương là 77,4 triệu USD). Hợp phần 2, phát triển và chuyển giao công nghệ (ước tính 16,1 triệu USD trong đó vốn vay của WB là 2,5 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ và các địa phương là 13,6 triệu USD). Hợp phần 3, quản lý dự án, ước tính 9 triệu USD vốn đối ứng Chính phủ và địa phương.
Qua trao đổi, đại diện WB khẳng định đây là thời điểm vàng để Việt Nam triển khai đề án nhằm định vị thương hiệu lúa gạo gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân từ việc trao đổi tín chỉ carbon. Đây cũng là nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết về môi trường, cắt giảm phát thải khí metan… Vì vậy WB mong muốn Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ NN&PTNT trong các vấn đề kỹ thuật, thủ tục huy động nguồn vốn vay ODA cho đề án này.
Tin, ảnh: MINH HUYỀN