Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang đảm trách vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G8) và Nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi (G20) năm 2011, vị trí được báo Anh Independent trong bài viết ra ngày 25-1 vừa qua ví von là “tổng thống của thế giới”.
 |
Tổng thống Sarkozy cũng đưa những đề xuất của ông trong vai trò Chủ tịch G8 và G20 ra thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 27-1 để vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Reuters |
Trong thông cáo báo chí mới đây nói về chương trình hành động của G8 và G20 năm nay, ông chủ Điện Élysée đã công bố một “lộ trình” gồm hàng loạt những vấn đề ưu tiên, đứng đầu là khống chế giá cả hàng hóa leo thang, vốn đang làm trầm trọng nạn đói ở các nước nghèo và kiềm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới, kế đến là cải cách hệ thống tiền tệ toàn cầu nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chính.
Tổng thống Sarkozy nhấn mạnh rằng Pháp ủng hộ việc cải cách hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế, bao gồm cả việc đánh thuế đối với các giao dịch tài chính. Ông cho rằng cần mở rộng vai trò Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó không loại trừ khả năng trao cho thể chế này quyền giám sát tình trạng mất cân bằng hệ thống kinh tế toàn cầu, cũng như khủng hoảng ngân hàng và sự lưu thông các dòng vốn.
Về vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu, Tổng thống Pháp cho rằng các cường quốc kinh tế thế giới cần đạt được thỏa thuận về những biện pháp mới để kiềm chế sự bất ổn trên các thị trường hàng hóa, nhất là giá lương thực - thực phẩm và dầu mỏ. Giá lương thực tăng cao đang có nguy cơ gây bất ổn xã hội tại nhiều nước nghèo trên thế giới. Vấn đề này nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang rất mong manh. Pháp đề nghị cộng đồng quốc tế cần phối hợp trong đối phó khủng hoảng lương thực có thể, thông qua các cơ quan của Liên Hiệp Quốc như Tổ chức Lương Nông (FAO), tăng cường đối thoại giữa các nước sản xuất và tiêu thụ lương thực - thực phẩm.
Trong nỗ lực cải tiến quản trị kinh tế toàn cầu, Pháp kêu gọi các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới cần có sự phối hợp và thống nhất hành động trong quản trị kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển và dân chủ trong một số tổ chức quốc tế, rằng G20 cần tham gia và có vai trò lớn trong vấn đề này.
Các mục tiêu mà Tổng thống Pháp đề ra trong nhiệm kỳ này đã nhận được sự hưởng ứng của nguyên thủ nhiều nước. Tổng thống Nga Medvedev ủng hộ mục tiêu kiểm soát giá lương thực; Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mexico Felip Calderon ủng hộ vấn đề cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế; Thủ tướng Anh David Cameron ủng hộ về cải cách các định chế quốc tế... Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy trong từng đề xuất của ông Sarkozy vẫn chưa có nhiều sự ủng hộ cần thiết. Đây chính là cái khó nhất đối với ông Sarkozy. Liệu từ bây giờ cho đến tháng 11 năm nay, ông có thể biến những đề xuất mà không ít người cho là “quá tham vọng”ấy thành chương trình hành động cụ thể để nâng cao vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế nhằm tạo cơ sở thuận lợi cho liên minh cầm quyền của ông trong cuộc bầu cử năm 2012?
PHÚC KIẾN (Theo AP, Le Temps, Independent)