20/06/2008 - 07:41

Tham vọng Sarkozy!

Đội diễu binh của Pháp. Ảnh: AFP

Cắt giảm quân số nhưng tăng cường sức mạnh quân sự theo hướng trang bị vũ khí tối tân và cơ động hơn để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa trong thời đại toàn cầu hóa là điểm nhấn trong “Sách trắng” về quốc phòng và an ninh mà Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vừa công bố. Theo kế hoạch, trong 6-7 năm tới, tổng số quân nhân chuyên nghiệp của quân đội Pháp sẽ giảm từ 271.000 người hiện nay xuống còn 225.000 người. Phần lớn đối tượng được tinh giản thuộc các bộ phận hành chính và hậu cần. Ngoài ra, khoảng 10.000 binh sĩ sẽ được điều chuyển sang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa.

Xét về mặt quân số, Pháp đứng đầu châu Âu, ngay cả sau khi kế hoạch cắt giảm được thực hiện. Chẳng hạn, Anh là một cường quốc quân sự nhưng số quân nhân chuyên nghiệp của nước này hiện chỉ có 180.000 người. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân viên hành chính và hậu cần trong quân đội Anh chỉ chiếm 40%, so với 60% tại Pháp. Mặt khác, chi tiêu quốc phòng của Anh (chiếm 2,5% GDP) cũng cao hơn Pháp (2,4% GDP). Chính vì vậy, có thể nói quân đội Pháp hiện nay cồng kềnh và trang bị không đầy đủ bằng Anh. Tổng thống Sarkozy cho biết hiện chỉ có 1/2 số xe tăng Leclerc hoạt động, trong khi “tuổi đời” của máy bay tiếp nhiên liệu lên tới 45 năm, một số trực thăng hơn 30 năm... Theo học thuyết an ninh mới, Pháp sẽ đầu tư 377 tỉ euro mua sắm các trang thiết bị quân sự từ nay đến năm 2020.

Đương kim chủ nhân Điện Élysée từng mô tả Pháp là một “cường quốc quân sự và ngoại giao”, nên cần đặt ra những tham vọng lớn. Để tăng cường sức mạnh, Tổng thống Sarkozy tuyên bố quân đội Pháp phải dựa trên trụ cột của hệ thống tình báo trước các mối đe dọa của vũ khí hạt nhân, sinh học; tên lửa đạn đạo và cả tin tặc. Pháp sẽ thành lập một Hội đồng tình báo quốc gia do tổng thống đứng đầu. Sức mạnh quân sự của một cường quốc, theo ông, còn phải vươn ra bên ngoài lãnh thổ của mình, trong đó cần tập trung vào các khu vực có lợi ích chiến lược, nhất là châu Phi. Ngoài ra, ông cam kết sẽ đưa Pháp trở lại Bộ chỉ huy NATO mà nước này rút ra hồi năm 1966.

“Sách trắng” của Tổng thống Sarkozy là chiến lược an ninh- quốc phòng lần đầu tiên được phác thảo trong 14 năm qua, đồng thời là kế hoạch cải cách quân đội với quy mô lớn chưa từng có kể từ khi các lực lượng vũ trang Pháp được chuyên nghiệp hóa hoàn toàn hồi năm 1996. Có điều thú vị là theo các nhà phân tích, học thuyết an ninh đầy tham vọng của ông Sarkozy có phần na ná với chiến lược tái cơ cấu quân đội Mỹ của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, người từng “chê” Pháp (dưới thời Tổng thống Jacques Chirac) là đại diện cho một “châu Âu già nua” khi phản đối cuộc chiến xâm lược Iraq của Washington hồi năm 2003.

V.P (Theo Le Figaro, Independent)

Đội diễu binh của Pháp. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết