02/02/2009 - 09:57

Thái Lan lại bất ổn

Phe áo đỏ mang theo ảnh cựu Thủ tướng Thaksin trong cuộc biểu tình tối 31-1.
Ảnh: Reuters

Sau mấy tuần tạm lắng dịu, bầu không khí chính trị tại Thái Lan lại “nóng” lên với việc Liên minh dân chủ chống độc tài (DAAD, ủng hộ đảng Quyền lực nhân dân (PPP) của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra) huy động hàng chục ngàn người xuống đường chống chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva vào tối 31-1. Theo cảnh sát Bangkok, khoảng 30.000-40.000 người mặc áo đỏ (biểu tượng của DAAD) đã tập trung tại Quảng trường Sanam Luang, sau đó vượt qua các rào cản do lực lượng an ninh dựng lên để tiến vào bao vây Tòa nhà Chính phủ trong mấy giờ đồng hồ. Hơn 5.200 cảnh sát cùng 2 đại đội lục quân và hải quân đã được triển khai để giữ gìn trật tự, trong khi 22 đại đội khác được đặt trong tình trạng sẵn sàng vào cuộc.

Lãnh đạo DAAD ra tối hậu thư cho chính phủ trong vòng 15 ngày phải cách chức Ngoại trưởng Kasit Piromya. Ông Kasit là người từng ra mặt ủng hộ Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD, còn gọi là phe áo vàng) trong vụ bao vây Tòa nhà Chính phủ và chiếm 2 sân bay ở Bangkok hồi cuối năm ngoái, dẫn đến việc hai thủ tướng của PPP là Samak Sundaravej và Somchai Wongsawat lần lượt mất chức theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp, nhường ghế cho ông Abhisit của đảng Dân chủ.

DAAD cũng yêu cầu chính phủ xử lý nghiêm những nhà lãnh đạo PAD phạm luật khi chiếm các sân bay ở thủ đô, khiến ngành du lịch Thái Lan bị thất thu nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của nước này trong mắt cộng đồng quốc tế. Theo DAAD, việc xử lý những trường hợp trên đang diễn ra hết sức chậm chạp. Thậm chí 2 lãnh đạo của PAD còn được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn cao cấp của chính phủ.

DAAD còn đòi Thủ tướng Abhisit trong vòng nửa tháng phải giải tán Hạ viện để tổ chức bầu cử sớm, đồng thời tái áp dụng Hiến pháp năm 1997 thay cho Hiến pháp năm 2008. Họ cho rằng chính phủ hiện nay ở Thái Lan không hợp pháp, được dựng lên bởi quân đội và giới kinh doanh chứ không qua tổng tuyển cử. Gần đây, DAAD đã tổ chức biểu tình bên ngoài đại sứ quán các nước ASEAN ở Bangkok, tố cáo chính phủ của Thủ tướng Abhisit không đủ tư cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN, dự kiến diễn ra tại thành phố du lịch Hua Hin ở miền Nam vào cuối tháng này. Tình hình bất ổn ở Thái Lan đã khiến hội nghị bị hoãn nhiều lần.

Tuy nhiên, hầu hết các yêu sách của DAAD đều bị bác bỏ. Thay mặt Thủ tướng Abhisit đang dự hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới ở Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ không giải tán Hạ viện cũng như cách chức Ngoại trưởng Kasit vì chính phủ không làm gì sai trái. Ông cũng cho rằng khó có thể khôi phục Hiến pháp năm 1997 vì cần phải tổ chức trưng cầu dân ý, mà điều đó tốn rất nhiều thời gian.

Chính phủ không nhượng bộ, trong khi DAAD thề sẽ biểu tình với qui mô lớn hơn để lật đổ chính phủ nếu các yêu sách của họ không được đáp ứng. Xem ra, Thái Lan khó tránh khỏi vòng xoáy bất ổn mới.

LÊ DÂN (Theo AP, THX)

Phe áo đỏ mang theo ảnh cựu Thủ tướng Thaksin trong cuộc biểu tình tối 31-1. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết