Năm 2010, người nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào vụ nuôi tôm sú chính vụ trong niềm vui trúng mùa, được giá của năm cũ mang sang. Ngay sau Tết Nguyên đán, những hộ dân nuôi tôm đã lên bờ bao, cải tạo ao đầm... chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Chưa thể đoán chính xác hiệu quả ra sao, nhưng nhiều tỉnh trong vùng đã lo ngại trước tình hình nắng nóng kéo dài sẽ gây dịch bệnh trên tôm, và một số địa phương đã có diện tích tôm bị thiệt hại. Vụ tôm 2010 chỉ mới khởi động, nhưng đang đặt ra nhiều thách thức cho cả người nuôi và cơ quan quản lý.
Nhiều mối lo...
Hiện nay, công tác cải tạo ao đầm chuẩn bị cho mùa tôm sú năm 2010 ở các tỉnh nuôi tôm gần như hoàn tất, nhiều địa phương đã thả giống, nhưng nhiều người vẫn lo ngại trước mùa vụ mới. Dịch bệnh và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2009 vẫn còn “dư chấn”, các nước nhập khẩu dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật, thương mại, áp thuế chống bán phá giá... cũng làm doanh nghiệp chế biến, người nuôi phải thận trọng.
 |
Chăm sóc tôm nuôi ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG |
Tính đến thời điểm này, tỉnh Bạc Liêu đã thả nuôi hơn 100.000 ha trong tổng số trên 126.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Trong đó, hơn 3.600 ha theo mô hình công nghiệp- bán công nghiệp (CN-BCN), số còn lại người dân đang cải tạo ao đầm. Còn tại Cà Mau, diện tích tôm sú đã thả giống hơn 200.000/270.000 ha mặt nước, với khoảng 1.300 ha nuôi theo mô hình CN-BCN. Nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì đến con tôm, nhưng mức độ ảnh hưởng của nó khá nghiêm trọng. Do giữ ngọt để cứu trên 20.000 lúa đông xuân trong thời kỳ khô hạn vùng Bắc QL1A, tỉnh Bạc Liêu đã hạn chế dẫn nước mặn, nên làm ảnh hưởng đến 15.000 ha diện tích nuôi tôm của huyện Giá Rai. Ông Liên An Lộc, Phó Phòng NN&PTNT huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Toàn huyện có trên 5.400 ha tôm nuôi bị thiệt hại, do ảnh hưởng của nắng nóng, độ mặn tăng cao, trong đó, 50% thiệt hại không thu hoạch được. Ngoài ra, gần 10.000 ha đang có nguy cơ thiếu nước ảnh hưởng đến thời vụ thả giống của người dân”. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có trên 6.500 ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại. Tỉnh Cà Mau đã có 17 ha tôm công nghiệp thiệt hại do bệnh đốm trắng, diện tích thả nuôi theo mô hình quảng canh cũng bị thiệt hại dù mức độ chưa đáng kể.
Cà Mau và Bạc Liêu là 2 địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất ĐBSCL, nhưng việc đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi chưa được chú trọng một cách bài bản. Ông Tạ Minh Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Việc đầu tư hạ tầng cho khu vực nuôi tôm CN-BCN vẫn còn nhiều bất cập, nguồn nước phục vụ chưa đảm bảo, hệ thống điện chưa được đầu tư một cách hoàn chỉnh (chưa có hệ thống điện 3 pha). Để hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi tôm CN-BCN Bạc Liêu cần trên 2.000 tỉ đồng, trong khi ngân sách và vốn của người dân có hạn”. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau, năm 2010 mới điều chỉnh quy hoạch vùng tôm - lúa, còn quy hoạch vùng nguyên liệu thủy sản vẫn chưa thực hiện được, do thiếu vốn.
Vụ tôm sú 2010 tỉnh Kiên Giang dự kiến thả khoảng 65.000 ha tôm sú. Độ mặn hiện nay thích hợp để nuôi tôm, nhưng vùng U Minh Thượng lại đang thiếu hụt nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của người dân khá nghiêm trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ, có trên 1.000 ha tôm nuôi bị mất trắng ngay từ đầu vụ, do tình trạng tranh chấp mặn- ngọt. Còn vùng nuôi công nghiệp 1.000 ha của Công ty Đầu tư-Phát triển Hạ Long chủ động được nguồn nước, giám sát chất lượng giống và ao nuôi nên chưa xảy ra thiệt hại. Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Nắng nóng kéo dài và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại tôm nuôi ở vùng U Minh Thượng. Người nuôi vẫn còn chủ quan, không chủ động được nguồn nước ngọt và thiếu kỹ thuật dẫn đến những thiệt hại ở đầu vụ. Điều đáng lưu ý là phần lớn diện tích bị thiệt hại đều thuộc những hộ thả nuôi trước lịch thời vụ từ 1-2 tháng. Ngành chức năng đang khuyến cáo bà con nông dân nên duy trì mực nước trong vuông từ 0,5m trở lên để chống nóng cho tôm, đồng thời thường xuyên kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời khi tôm có dấu hiệu bất thường”. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, vùng U Minh Thượng hiện nay vẫn còn tranh chấp mặn-ngọt và không thực hiện theo quy hoạch vùng nuôi-trồng, nên việc nuôi tôm hay trồng lúa đang là vấn đề nan giải.
Người nuôi: thận trọng!
Ở tỉnh Sóc Trăng, người nuôi tôm tỏ ra khá thận trọng kể cả việc chọn con giống, thời điểm thả nuôi vụ tôm sú 2010. Bởi vậy, dù lịch nhập tôm giống của tỉnh đã ban hành gần 2 tháng nay, nhưng diện tích thả nuôi chỉ mới hơn 9.000 ha. Ông Lâm Văn Đẹt, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Năm nay, mặn về sớm, phải đợi ngành thủy sản công bố lịch thời vụ, tôi mới dám đi đặt con giống. Kinh nghiệm nuôi tôm hơn 10 năm và tôi nhận thấy, chỉ khi nào độ mặn ổn định, tôm cua trong tự nhiên nhiều, khi đó thả nuôi mới đạt hiệu quả”. Theo ông Lâm Văn Đẹt, mấy năm gần đây, người dân nuôi tôm ở Cảng Buối không còn mua con giống tại địa phương, mà 4-5 hộ hùn lại và cử đại diện ra tận miền Trung chọn con giống bố mẹ, đưa đi xét nghiệm nếu đạt thì đặt cho đẻ, rồi đem con giống đi xét nghiệm lần nữa mới đem về nuôi. Nhờ cách làm này mà mấy năm liền ở đây đều trúng mùa. Tuy nhiên, không phải người nuôi nào cũng đủ điều kiện để thực hiện việc kiểm định con giống trước khi nhập nuôi.
Vụ tôm năm nay, ngoài số hộ không đủ điều kiện, còn lại đều thả nuôi với mật độ khá dầy. Ở Sóc Trăng, có nơi thả mật độ 40 con/m2 (cao hơn năm trước đến 15 con/m2) như xã Hòa Đông, do thị trường tôm cuối năm 2009 được giá cao. Nhiều người nuôi cho biết, họ thả dầy đến khi nào thấy tôm vô cỡ có giá là xổ bán ngay, chứ không neo chờ giá như trước nữa. Tâm lý thả dầy đang khá phổ biến ở những vùng nuôi CN-BCN, nhằm đón giá thị trường tôm cỡ nhỏ. Vấn đề đáng lo ngại là khi thả mật độ dầy sẽ rất khó kiểm soát môi trường nuôi dễ dẫn đến dịch bệnh. Mặt khác, một số diện tích thả nuôi sớm đã bị thiệt hại trong khi thời gian mùa vụ chính còn dài.
Ông Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng, nhận định: “Diễn biến thời tiết, môi trường từ đầu vụ đến nay khá thuận lợi, phần lớn diện tích tôm thả nuôi theo khuyến cáo lịch thời vụ đều phát triển khá tốt. Người nuôi không thả nuôi ồ ạt như những năm trước. Tuy nhiên, nếu nắng nóng kéo dài sẽ gây bất lợi cho mô hình tôm-lúa”. Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, chất lượng con giống không cao, nên giá dao động ở mức 30-40 đồng/con. Hiện nay, độ mặn trên các cửa sông và kênh rạch nội đồng trong tỉnh đều đạt ngưỡng thích hợp cho việc thả giống. Theo ông Bé, tình hình nắng nóng kéo dài rất dễ phát sinh bệnh đốm trắng và thiếu ô xy do tảo phát triển mạnh. Do vậy, vùng tôm-lúa cần đảm bảo mực nước trong ao từ 8 tấc trở lên và có ao lắng để đảm bảo nhiệt độ ao không bị biến động làm thiệt hại tôm. Tháng 4 cũng là tháng nóng nhất, nền nhiệt độ cao, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn rất dễ gây sốc cho tôm và làm phát sinh dịch bệnh. Người nuôi nên chọn lựa con giống có chất lượng tốt, sạch bệnh và xử lý môi trường nước theo đúng qui trình trước khi thả nuôi.
Bắt đầu mùa vụ mới với tâm lý dè dặt, nhưng cơ bản người nuôi tôm vùng ĐBSCL đã sẵn sàng cho vụ nuôi. Ông Nguyễn Thanh Liệt, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, phấn khởi: “Năm rồi tôm trúng quá, năm nay tôi chuẩn bị sớm cho mùa vụ này”. Năm 2009, xã Hưng Thành có trên 60 ha diện tích nuôi tôm, năng suất trung bình 550 kg/ha, nên tất cả hộ nuôi đều đạt lợi nhuận. Còn năm nay, thay vì làm thủ công, toàn bộ trên 30 ha đều đưa cơ giới vào cải tạo chuẩn bị cho mùa vụ mới... Tại ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, năm 2009, hầu hết người nuôi tôm đều có lãi, từ một ấp nợ cao nhất tỉnh do nuôi tôm, đến nay cơ bản đã thanh toán xong. Ông Trần Minh Thống, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, cho biết: “Năm nay, bà con chuẩn bị cho vụ mùa tôm mới khá kỹ lưỡng và đồng bộ, chúng tôi khuyến cáo bà con nên nuôi thưa và chọn con giống sạch bệnh để tránh thất thu. Điều đáng mừng là năm nay diện tích nuôi tôm của xã cơ bản đã được cải tạo hết, không còn bỏ trống cục bộ như các năm trước”.
Liên tiếp 4 năm liền Bạc Liêu, Cà Mau thất mùa tôm, năm 2009 con tôm mới trở lại “ngôi vua”. Sự thất bại đeo bám làm cho nhiều người, nhất là những người nuôi quy mô lớn không mấy mặn mà với con tôm. Những người ít vốn, phần vì thế chấp ngân hàng còn mang nợ quá hạn không thể vay được, phần đã hết vốn nên cơ hội đầu tư cho mùa vụ này không nhiều. Theo ông Tạ Minh Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, vốn cho sản xuất là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi kỹ thuật, giống, thủy lợi đã cơ bản giải quyết sau nhiều năm nuôi tôm. Song, đây là vấn đề rất khó của người nuôi tôm ở Bạc Liêu hiện tại và đang cần các cơ quan chức năng hỗ trợ.
NHÓM PV-CTV