22/04/2010 - 08:50

Thách thức đối với chính quyền lâm thời Kyrgyzstan

Cảnh sát lập hàng rào ngăn cản người bạo loạn ở ngoại ô Bishkek. Ảnh: Reuters

Trong khi vất vả lập lại trật tự sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Kurmanbek Bakiyev hơn 10 ngày trước, chính quyền lâm thời Kyrgyzstan lại đối mặt với nguy cơ xung đột sắc tộc nghiêm trọng.

Ngày 20-4, lãnh đạo chính quyền mới, bà Roza Otunbayeva đã cảnh báo rằng cảnh sát sẽ huy động lực lượng trấn áp mạnh tay các phần tử cướp phá và kích động bạo lực có vũ trang, sau khi ít nhất 5 người chết và 40 người khác bị thương trong vụ bạo động tại làng Mayevka, ngoại ô Thủ đô Bishkek.

Bà Otunbayeva kêu gọi toàn dân bình tĩnh, tránh bị khêu khích, cùng nhau chống lại những tên cầm đầu và các thế lực phá hoại hòa bình và tình đoàn kết các dân tộc. Tuy nhiên, bà cũng tuyên bố rằng sẽ sử dụng lực lượng trấn áp mạnh trong trường hợp các phần tử bạo loạn tấn công dân thường, nhà cửa và tài sản cá nhân, cũng như tấn công các mục tiêu quân sự và dân sự.

Ngày 20-4, 300 binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai nhằm lập lại trật tự ở ngoại ô Bishkek, nơi các băng nhóm hàng trăm người cướp phá và chiếm đất của người thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Theo hãng tin AFP (Pháp) ngày 21-4, khoảng 1.000 người, trong đó một số trang bị gậy gộc, đã không chế chiếc xe hơi chở Thị trưởng tạm quyền Bishkek Isa Omurkulov, yêu cầu ông cấp đất cho họ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở miền Nam, nơi các phần tử trung thành với ông Bakiyev đã nắm quyền kiểm soát thành phố Jalalabad, lập ông Faizulla Rakhmanov làm thống đốc mới. Ông Rakhamanov tuyên bố sẽ chống lại chính quyền lâm thời và khôi phục chính quyền Bakiyev.

Các nhà quan sát cho rằng nếu ông Bakiyev quay lại, nguy cơ xung đột sắc tộc và nội chiến càng nghiêm trọng hơn. Hiện ông Bakiyev đã đến tị nạn tại Belarus, theo xác nhận của Tổng thống nước này Alexander Lukashenko. Chính quyền mới ở Kyrgyzstan tuyên bố nếu ông Bakiyev trở lại, ông sẽ bị bắt và có thể ngồi tù vì tội ra lệnh bắn vào đoàn biểu tình, làm 85 người thiệt mạng trong cuộc chính biến đầu tháng này.

Một vấn đề khác mà chính quyền lâm thời đối mặt nhưng không thể khắc phục hoàn toàn là xung đột lợi ích giữa các sắc tộc. Các vụ tấn công bạo lực hiện nay đều liên quan tới yêu cầu đòi đất canh tác giữa các cộng đồng. Người Kyrgyz chiếm khoảng 70% trong số 5,3 triệu dân Kyrgyzstan, người Uzbek 14,5%, gốc Nga 8,4% và còn lại là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Kyrgyzstan là quốc gia thuộc diện nghèo, thiếu đất canh tác nghiêm trọng, có sự phân chia khu vực sâu sắc, nhưng không có bất kỳ định chế mạnh nào phân xử. Theo nhà phân tích người Nga Alexander Konovalov, hai “cuộc cách mạng” trong 5 năm qua (cách mạng hoa Tulíp năm 2005 đưa ông Bakiyev lên nắm quyền và cuộc chính biến lần này) đã làm mất đi sự tôn nghiêm của luật pháp, làm giảm sự tôn trọng của dân chúng đối với chính quyền. Sanobar Shermatova, chuyên gia về Trung Á, nói với hãng tin RIA-Novosti (Nga) rằng dân Kyrgyzstan nghĩ nếu quyền lực có thể bị tước đoạt bởi người đứng đầu, thì sao họ không thể chiếm đất hoặc của cải của ai đó?

N. MINH
(Theo Reuters, AFP, RIA Novosti)

Chia sẻ bài viết