06/01/2019 - 08:03

Tết quê trên phố 

Chú Tam đặt ly nước trà xuống bàn, nói với thím: "Bà ở lại nhà chăm sóc mảnh vườn và ruộng còn lại, còn tôi ra thành phố tìm cách tăng thu nhập cho thằng Hai đi học. Tới hồi tôi tìm được kế sinh sống, mình tính tiếp...". Thím Tam lo lắng: "Rồi ở đó sao sống ông ơi?". "Tôi đã có cách, chớ nhà mình đang lúc ngặt, ba vụ ruộng thất liên tiếp, giá cây trái bấp bênh, nếu không tìm cách khác thì làm sao lo cho con học hành. Xã mình có mấy ai đậu đại học chính quy ở thành phố như thằng Hai đâu"…

***

Tới bây giờ chú Tam vẫn nhớ như in những tính toán ấy của mình, trong lúc cấp thời nên bỏ quê ra thành, chứ chú đâu hề muốn. Nhưng sự ra đi và bù đắp lại với đời chú không đến nỗi tệ. Chú cũng đã tạo được nền tảng cho con ba đứa ăn học thành tài. Nhưng cứ mỗi chiều về chú lại đau đáu trong lòng nhớ một miền quê hương yên bình mà chú trải hơn nửa đời người. Miền quê xa ngái cứ chập chờn trong giấc mơ.

Chợt có tiếng cháu gọi: "Nội ơi, ba con nói tối nay chở cả nhà đi chơi Tết quê!". "Tết quê ở đâu mà chơi?", chú Tam nhủ vậy, rồi nhìn chậu hoa mai trong sân lú nhú những búp mà thấy an ủi trong bụng. Mấy năm rồi, sau cơn mưa vào chừng tháng mười một là mai đã trổ bông. Năm nay mai rộ đúng ngày, không sớm không muộn.

Nhớ lại mấy mùa mai nở, chú giật mình thấy vậy mà đã gắn bó thành phố này ngót hai mươi năm. Từ nhỏ đến lúc lập gia đình, chú đinh ninh rằng đời mình gắn với miếng vườn mảnh ruộng, từ huê lợi mà nuôi các con ăn học cho thành tài là mãn nguyện rồi. Không ngờ khi thằng Hai vào đại học phải ra thành mướn nhà trọ tốn kém, cùng lúc chuyện vườn ruộng không như ý, chú bàn cùng thím: "Nhà mình còn bé Ba với thằng Út cũng sắp thi đại học, chi bằng mình mua miếng đất ở thành cất tạm căn nhà cho tụi nhỏ có chỗ ở yên ổn mà học hành". Cất nhà xong, chú thấy cảnh sống thành phố, đồng tiền dễ xoay vòng, chú Tam dọn chỗ mở quán cơm bình dân bán cho học trò xa quê. Tiệm cơm ngày một đông khách, chú Tam thu xếp việc vườn ruộng, đầu tư thêm cho quán, cũng từ đó chú Tam thành người thành phố. Thi thoảng chú ngồi nhớ những buổi chiều êm ả ở đồng, nhìn đàn còn trắng xếp hàng ngang dọc bay giữa không gian xanh ngút đẹp đẽ vô cùng. Hình ảnh ấy xa rồi mới biết đẹp, mới thấy tiếc nuối.

Quán cơm mở đầu và cũng là cuối cùng cho sự nghiệp ở thành của chú, khi các con năn nỉ ỉ ôi: "Ba má cực khổ mấy mươi năm rồi, giờ đã qua lục tuần, tụi con cũng ổn định, ba má nghỉ ngơi để tụi con báo hiếu". Đời chú Tam khi dứt khỏi đồng ruộng đã buồn rồi, giờ vừa quen với nghề lại bị tụi nhỏ năn nỉ kêu nghỉ, chú lại buồn lần thứ hai. Ngày cứ vô ra trong nhà, chiều đi hóng mát thể dục, chú càng thèm một buổi sáng ở bờ ruộng có vạt sương mờ và mảnh đất vừa làm đồng, nghe lòng hưng phấn tràn đầy sức sống.

*

*   *

Chiều áp Tết, con trai Út của chú Tam mở cửa xe cho cả nhà tham quan đường hoa và khu tái hiện Tết xưa, chú Tam như bước vào ký ức đời mình. Nếp nhà tranh có lu nước, giàn mướp đơm hoa, chú Tam dừng lại trước mái nhà có cảnh người xay lúa, hoài niệm: "Ngày xưa quê mình đâu có nhà máy xay xát lúa gạo, nên mỗi nhà có cái cối xay, người ta xay như thế rồi sàng sảy, gạo cho vào cối giã cho trắng mới nấu ăn được. Ngày xưa làm ra hạt lúa đã vất vả rồi, mà từ hạt lúa thành cơm cũng không mấy dễ dàng". Chú Tam vẫn nhớ bà, mẹ và các cô dì của chú rất vất vả khi làm bánh canh, bánh lọt, bánh xèo… nào là ngâm gạo xay bột, mà bột xay bằng cối đá, cả một quá trình công phu. Mấy đứa cháu nội nghe chú Tam kể mà say sưa.

Đoàn người vui xuân, con nít dán mắt vào những con thú dễ thương, nam thanh nữ tú chụp ảnh, vui đùa bên những luống hoa đẹp. Riêng chú Tam ngồi xuống bên bóng chiều với thửa ruộng xanh rờn và đàn cò vừa đáp xuống. Chú đến gần chạm tay vào cánh cò. Cánh cò và người nông dân gần gũi bên nhau, cùng sớm hôm bên ruộng lúa. Ngồi ngắm cánh đồng thỏa thuê, chú lại đi tiếp đến một góc đường có tiểu cảnh bà con thôn quê quết bánh phồng, chú Tam sôi nổi nói: "Tết quê xưa nhà ai cũng quết bánh phồng. Nhà này quết, nhà gần đến tiếp cán bánh, phơi bánh, hôm sau đến lượt nhà khác, cứ thế xoay vòng đến cuối năm. Vui lắm mấy con ơi, chiều chiều sáng sáng người lớn nhóm lửa nướng bánh phồng, nhà nào bánh phồng to và khéo thì được bà con học hỏi, khen ngợi. Đêm ba mươi Tết xúm xít bên nồi bánh tét và nướng bánh phồng cúng giao thừa"… Nói một hồi, chú ngẩn ngơ, những cái Tết nồng nàn hương vị xóm làng lần lượt trôi vào quá khứ mà giờ khó tìm lại được. 

Đứa cháu nội chắc thấy chú Tam buồn, nên gợi chuyện: "Làm sao để  có bánh phồng vậy nội?". Chú Tam lại bừng tỉnh, hăng hái: "Nội nhớ lúc đó bà cóc của con xôi nếp cho chín rồi bỏ vào cối quết đến khi nhừ nhuyễn và cán tròn đem phơi nắng. Lúc ngâm nếp thì dùng những loại lá cây có tính phồng và nổi để khi nướng cái bánh phồng to ra. Lúc nội còn nhỏ, ngày Tết nhà nhà đều có bánh phồng và tiếng quết bánh vang cả xóm từ 20 tháng chạp, lúc nửa đêm về sáng. Nhà đông con, quết đôi ba ổ nếp, phụ nữ vần công nhau đi cán bánh phồng. Nhà này quết, nhà bên kia cũng quết vì sợ con mình nhịn thèm. Không khí Tết quê ngày xưa rộn ràng lắm!".

Chú Tam say sưa kể chuyện cho mấy đứa cháu và vợ chồng Út nghe, tụi nhỏ quên cả lối về!

Giữa không khí chộn rộn của Tết thành, chú Tam đứng giữa không gian tái hiện nếp sinh hoạt của Tết quê xưa, với cảnh sông nước, chợ nổi, đình chùa; chợt thấy ấm lòng như được trở về với cội nguồn, đắm mình trong hương và vị của ký ức.

Truyện ngắn: NHẬT HỒNG

Chia sẻ bài viết