* ĐĂNG HUỲNH
Nhiều năm qua, công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường được ngành Văn hóa và ngành Giáo dục TP Cần Thơ quan tâm, thực hiện bằng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Qua đó, học sinh, sinh viên thành phố thêm hiểu và yêu di sản, vun bồi niềm tự hào quê hương, đất nước. “Kho báu” di sản văn hóa Cần Thơ cũng nhờ vậy mà càng thêm được quảng bá, phát huy giá trị.
Năm 2007, cán bộ Bảo tàng TP Cần Thơ lên ý tưởng về một chương trình giáo dục truyền thống và di sản văn hóa cho học sinh. Chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các trường học. Vậy là suốt 18 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ đã đồng hành phối hợp công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường, với nhiều mô hình hay như “Tìm về di sản”, “Em tập làm nghệ nhân”, “Vui hè học Sử”… Trong ảnh: Sinh viên tham quan Di tích quốc gia Khám Lớn Cần Thơ trong chương trình “Tìm về di sản”.
Chỉ riêng năm học 2023-2024, Bảo tàng TP Cần Thơ đã ký kết phối hợp thực hiện công tác này với 36 trường học ở tất cả 9 quận, huyện. Đặc biệt, việc thành lập các Ðội tuyên truyền di sản văn hóa trong trường học đã phát huy hiệu quả.
Chương trình “Tiết học Sử Bảo tàng” với chủ đề “Tìm hiểu Bảo vật quốc gia ở TP Cần Thơ” vừa được Bảo tàng TP Cần Thơ cũng là cách làm hay trong giới thiệu di sản văn hóa địa phương đến giới trẻ.
Với việc đa dạng hoạt động như trò chơi, đố vui có thưởng, kết hợp trong các hoạt động trưng bày, triển lãm của Bảo tàng TP Cần Thơ, những kiến thức và lịch sử, văn hóa TP Cần Thơ được gửi gắm trọn vẹn đến giới trẻ.
Những câu chuyện lịch sử đã lay động trái tim người trẻ. Khi nghe thuyết minh viên Nguyễn Thị Hoàng Oanh kể về Đạo luật 10/59 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chiếc máy chém gây tội ác dã man, 3 học sinh của Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng) đã không kềm được xúc động. Đó là bài học lịch sử sinh động mà các em học được qua chuyến tham quan bảo tàng.
“Cần Thơ - Thành phố tôi yêu” là chủ đề hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách và di sản văn hóa gắn với du lịch TP Cần Thơ năm 2024 vừa được tổ chức rất thành công. Trong ảnh: Đội Huyện đoàn Cờ Đỏ thực hiện hoạt cảnh giới thiệu về Di tích quốc gia “Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ”.
Công trình giáo dục truyền thống, di sản văn hóa còn có sự chung tay của các địa phương. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Long Tuyền trong buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử tại Di tích Căn cứ Vườn Mận, trong chương trình do UBND phường Long Tuyền tổ chức.
Tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố hiện nay, việc thành lập các Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh cũng giúp lan tỏa tình yêu lịch sử, truyền thống văn hóa đến với học sinh.
Việc ươm mầm tình yêu di sản, truyền nghề thực hành di sản cho thế hệ trẻ cũng được ngành Văn hóa thành phố rất quan tâm. Trong ảnh: Em Nguyễn Văn Quý, 18 tuổi, ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, được nghệ nhân, NSƯT Nhứt Dũng dạy đánh trống, trong lớp truyền dạy nhạc lễ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức.
Để việc quảng bá di sản hiệu quả, ngành Văn hóa TP Cần Thơ quan tâm công tác chuyển đổi số, thực hiện mô hình “Một chạm đến di sản”, giúp di sản Cần Thơ đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ.