10/07/2021 - 09:24

Tây Ban Nha lục đục chuyện ăn hay không ăn thịt 

Việc người Tây Ban Nha mỗi năm tiêu thụ bao nhiêu thịt và các chế phẩm từ động vật đang trở thành chủ đề mới nhất chia rẽ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Pedro Sanchez.

Một cửa hàng thịt ở thủ đô Madrid. Ảnh: Getty Images

Một cửa hàng thịt ở thủ đô Madrid. Ảnh: Getty Images

Kể từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2020, các thành viên nội các thuộc đảng Công nhân Xã hội (PSOE) của Thủ tướng Sanchez và những bộ trưởng đại diện đảng cánh tả Unidas Podemos liên minh liên tục hục hặc về chính sách, chẳng hạn như quyền của người chuyển giới, giá thuê nhà, tăng thuế và phúc lợi xã hội. Gần đây, tranh cãi lại bùng phát khi Bộ trưởng Nông nghiệp, Thủy sản và Thực phẩm Luis Planas của PSOE kiên quyết phản đối chiến dịch mà người đồng cấp phụ trách vấn đề tiêu dùng Alberto Garzon của phái cấp tiến đang phát động, trong đó kêu gọi người dân giảm tiêu thụ thịt bò, thịt heo cùng những thực phẩm động vật khác.

Theo ông Planas, đây là chiến dịch “tệ hại” đối với một quốc gia nổi tiếng về giăm bông, xúc xích ​​và nhiều sản phẩm từ thịt động vật. Ông đồng thời chỉ trích hành động này của phe cấp tiến là “bôi nhọ” công việc của người chăn nuôi Tây Ban Nha. Liên minh nông nghiệp UPA thì coi chiến dịch của Bộ trưởng Garzon là “vô trách nhiệm” và “gây hiểu lầm” đối với ngành sản xuất trị giá 11,8 tỉ USD và tạo ra 2,5 triệu việc làm trên toàn quốc. Thủ tướng Sanchez mới đây cũng tỏ ra ủng hộ bữa ăn có thịt.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Garzon lên truyền hình khẳng định mục tiêu của ông không phải nhằm buộc bất kỳ ai ngừng ăn thịt. Thay vào đó là mong muốn mọi người cân nhắc chế độ ăn uống đa dạng và khoa học với ít sản phẩm động vật hơn, tất cả vì lợi ích sức khỏe và bảo vệ môi trường. Dẫn số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, ông Garzon lưu ý họ đang là quốc gia tiêu thụ thịt hàng đầu trong Liên minh châu Âu (EU) với mỗi người dân ăn khoảng 98kg thịt/năm so với mức trung bình 76kg của khối. Theo đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan y tế mỗi quốc gia nên khuyến cáo người dân hạn chế tiêu thụ thịt chế biến và thịt đỏ vốn liên quan nguy cơ tử vong do bệnh tim, tiểu đường và những triệu chứng có hại khác đối với sức khỏe. Ở Tây Ban Nha, Bộ trưởng Garzon cho biết Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng đề nghị mỗi người chỉ nên ăn lượng thịt từ 200g-500g/tuần nhưng con số thực tế người dân tiêu thụ lên tới hơn 1kg.

Ngoài ảnh hưởng cân nặng và sức khỏe, Bộ trưởng Garzon nói rằng việc phải tiêu tốn 15.000 lít nước để sản xuất mỗi kg thịt là rất phi lý khi Tây Ban Nha đang đối mặt với tình trạng sa mạc hóa nhanh chóng. Quy trình sản xuất thịt bò như đã biết tạo ra lượng lớn khí thải nhà kính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và điều này có thể ảnh hưởng kế hoạch của Tây Ban Nha đưa lượng khí phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo tiêu chí của EU. Theo các nhà khoa học, Madrid muốn đạt được mục tiêu này cần phải giải quyết lượng khí thải từ nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực phát thải lớn thứ hai sau giao thông vận tải và chiếm khoảng 14% lượng khí thải của nước này vào năm ngoái.

Không riêng Tây Ban Nha, bữa ăn có hay không thịt cũng là chủ đề gây tranh cãi tại Pháp. Hồi tháng 2, nhiều quan chức chính phủ đã phản đối quyết định của Hội đồng thành phố Lyon loại thịt bò, thịt gà và xúc xích ra khỏi thực đơn các trường học.

MAI QUYÊN (Theo AP, Guardian)

Chia sẻ bài viết