 |
Tây Ban Nha “mệt mỏi” với bọn tội phạm mạng.
Ảnh: econintersect.com |
Cảnh sát Tây Ban Nha vừa ngăn chặn hai âm mưu tấn công mạng được cho là tinh vi nhất thế giới diễn ra tại xứ sở bò tót trong những tháng gần đây, theo đó mức báo động về sự gia tăng của loại tội phạm mạng cũng được nâng lên.
Bùng nổ tội phạm mạng
Khi tội phạm mạng đang gia tăng trên toàn thế giới, các vụ bắt giữ tin tặc ở mức độ cao đang trở thành “công việc quen thuộc” tại Tây Ban Nha, cả về mục tiêu lẫn nguồn gốc của các vụ tấn công. Bọn tội phạm mạng sử dụng Tây Ban Nha làm “cứ địa” chủ yếu là “những công dân mang quốc tịch Nga, Ukraina và Gruzia”.
Chỉ vài tuần trước đây, tin tặc người Hà Lan Sven Olaf Kamphuis đã bị giới chức Tây Ban Nha bắt giữ theo lệnh của Chính phủ Hà Lan. Kamphuis bị cho đã sử dụng một xe tải được trang bị đầy các thiết bị công nghệ dùng cho mục đích phá vỡ hệ thống mạng và tấn công các trang web trên khắp thế giới. Y cũng được cho là đã tiến hành một trong những vụ tấn công mạng lớn nhất xảy ra hồi tháng 3 vừa qua khi đánh sập trang web của công ty chống thư rác Spamhaus. Giới chức Tây Ban Nha cho rằng Kamphuis chính là chủ sở hữu của nhà cung cấp máy chủ Cyberbunker ở Hà Lan, tổ chức bị cho là chủ động trong nhiều hình thức tội phạm mạng.
Trong một chiến dịch trấn áp tội phạm mạng quốc tế hồi tháng 2 vừa qua, cảnh sát Tây Ban Nha cũng đã tiến hành bắt giữ 11 người được cho đang điều hành một trong những nhóm tội phạm mạng qui mô lớn và “hoạt động hiệu quả nhất” với khoảng 1 triệu euro thu về chỉ riêng ở Tây Ban Nha. Nhóm đối tượng trên bị cáo buộc tấn công các máy tính để khóa và hiển thị một tin nhắn giả mạo cảnh sát cho rằng người sử dụng đã vi phạm luật an ninh mạng và yêu cầu nộp phạt 100 euro.
Hoạt động phá hoại của bọn tội phạm nạng ở Tây Ban Nha bùng nổ hồi năm 2012 nhưng đã nhen nhóm trước đó. Trong năm 2011 và 2012, Tây Ban Nha tuyên bố bắt giữ nhiều đối tượng có liên hệ với nhóm tin tặc Anonymous, bao gồm một số thủ lĩnh của nhóm này. Anonymous đã nhận trách nhiệm thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào Chính phủ Tây Ban Nha, các nước Mỹ La-tinh, công ty điện tử Sony, nhiều ngân hàng và công ty năng lượng.
Tây Ban Nha cũng đã bị đẩy lên hạng 12 (từ 18) dựa trên đánh giá hoạt động tội phạm mạng trên đầu người, theo Báo cáo đe dọa an ninh Internet của Symantec năm 2013. Trung Quốc và Mỹ đứng đầu danh sách trên.
Hé lộ nguyên nhân
Theo các chuyên gia máy tính, rất nhiều yếu tố từ lĩnh vực kinh tế, cơ sở hạ tầng, pháp lý và thậm chí văn hóa đã cùng nhau “biến” Tây Ban Nha trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho bọn tội phạm mạng phát triển mạnh.
Đầu tiên là cuộc khủng hoảng kinh tế- với nạn nhân chủ yếu là giới trẻ Tây Ban Nha- gần như gia tăng sức hút khiến lớp thanh niên chạy theo hoạt động tội phạm mạng. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Tây Ban Nha được cho là chiếm gần 60%.
Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng là tác nhân lôi kéo tầng lớp trung niên lao vào hoạt động rửa tiền phi pháp tại xứ bò tót này. “Việc tuyển mộ những thành phần trung gian- đối tượng che giấu tội phạm- hiện dễ dàng hơn và nhiều người nước ngoài đến đây để quản lý họ”- Juan Carlos Ruiloba- giáo sư đại học và là cựu giám đốc đơn vị chống tội phạm mạng thuộc cảnh sát Tây Ban Nha- cho biết.
Bên cạnh đó, có những khe hở về mặt thực thi pháp luật và pháp lý chịu trách nhiệm bảo vệ cộng đồng mạng khỏi sự kiểm duyệt của chính phủ, do đó vô tình tạo lá chắn cho bọn tội phạm mạng né được sự kiểm soát của lực lượng an ninh mạng.
Cuối cùng, theo Viện Thống kê Quốc gia, có đến 2/3 dân số Tây Ban Nha sử dụng kết nối Internet băng thông rộng hồi năm 2012. Một niềm tin được cho đã ăn sâu trong người dân Tây Ban Nha là quy định về Internet phải được tự do tư duy cũng khiến cho cuộc chiến chống lại việc sao chép, xâm phạm bản quyền càng thêm khó khăn.
THANH LIÊM (Theo CSM)