|
Ông Brennan trong bài phát biểu tại Đại học Johns Hopkins về chiến lược mới chống khủng bố hôm 29-6. Ảnh: AP |
Để chống mạng lưới khủng bố al-Qaeda thời hậu Osama bin Laden và trong bối cảnh dân Mỹ giảm sự ủng hộ dành cho các cuộc chiến, Cố vấn hàng đầu của Mỹ John Brennan vừa công bố chiến lược mới, theo đó chính thức hóa phương pháp mà chính quyền Mỹ đã được thực hiện kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền.
Một tuần sau khi Tổng thống Obama thông báo kế hoạch bước đầu rút 33.000 quân ở Afghanistan về nước, ngày 29-6, ông Brennan đã đưa ra kế hoạch mà ông mô tả là sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các chiến dịch bí mật nhằm phá hoại mạng lưới al-Qaeda “đang suy yếu”. Cố vấn chống khủng bố của Mỹ cho rằng quân đội và các nhân viên tình báo sẽ gây “sức ép có mục tiêu” nhằm vào các nhóm nổi dậy có ý định tấn công Mỹ. Theo ông Brennan, Mỹ sẽ tấn công al-Qaeda với cường độ “đủ mạnh và đủ thường xuyên” bằng cách tăng cường lực lượng đặc nhiệm và triển khai nhanh chóng “công cụ độc nhất” (phi đội máy bay không người lái). Ông Brennan nói: “Điều này mất thời gian, nhưng đảm bảo không phạm sai lầm”.
Chiến lược mới này báo hiệu một sự chuyển đổi trọng tâm so với các chính sách chống khủng bố dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, người đã từng nói đến “một cuộc thập tự chinh” nhằm đánh bại al-Qaeda. Các quan chức chính quyền Obama đã ngầm chỉ trích “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do ông Bush phát động là thiếu tập trung vào cái mà các trợ lý của ông Obama cho là mối đe dọa chính của Mỹ, đó là al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan; các nhánh của chúng ở Yemen, Somalie và Bắc Phi, và những cá nhân đi theo chúng vì bị kích động thông qua các đoạn phim của các phần tử cực đoan trên Internet.
Chiến lược mới chống khủng bố, sẽ được đưa lên trang mạng của Nhà Trắng, kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia khác, những nơi mà al-Qaeda đang cố gắng tìm một nơi trú ẩn an toàn. Những khu vực này tất nhiên không chỉ bao gồm Afghanistan và Pakistan, mà còn ở Somalie, Bắc Phi và Đông Nam Á. Ông Brennan còn cho rằng các hoạt động chống khủng bố theo kiểu liên minh đã mang lại hiệu quả đáng kể khi khó khăn rất nhiều cho công tác tuyển mộ cũng như các hoạt động gây quỹ và liên lạc của al-Qaeda. Hơn hai năm rưỡi qua, nhiều thủ lĩnh al-Qaeda đã bị tiêu diệt và gần như mỗi phân nhánh của chúng đều đã mất người cầm đầu hoặc chỉ huy hoạt động. Theo ông Brennan, Mỹ và các đồng minh cần phải tăng cường hợp tác nhằm duy trì sức ép lên mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Cũng trong ngày 29-6, một báo cáo của Viện nghiên cứu quốc tế Watson thuộc Đại học Brown, cho biết gần 10 năm sau khi phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, Mỹ đã tiêu tốn 2.300 2.700 tỉ USD cho các chiến dịch quân sự ở Iraq, Afghanistan và Pakistan. Và nếu tiếp tục kéo dài cuộc chiến này đến năm 2020, Mỹ sẽ tiêu tốn thêm khoảng 1.400 - 1.700 tỉ USD. |
Tuy nhiên, Juan Zarate, quan chức chống khủng bố chủ chốt dưới thời chính quyền Bush, lại cho rằng thu hẹp mục tiêu chống khủng bố tập trung vào al-Qaeda, chính quyền Obama đã đánh giá thấp sức mạnh của tổ chức này.
Mặt khác, theo các quan chức Mỹ, chiến lược mới có nhiều hạn chế, bởi phụ thuộc thường xuyên vào các đồng minh không đáng tin cậy, đôi khi thông tin tình báo sơ sài, trong khi các lực lượng bí mật của Mỹ đã gây căng thẳng với nhiều nước sau thập niên tiến hành nhiều cuộc chiến bí mật. Chẳng hạn, cuộc truy kích bin Laden hôm 2-5 đã gây thêm rạn nứt giữa Mỹ với Pakistan. Các tướng lĩnh quân sự hàng đầu của Mỹ tin rằng một số cơ quan quân sự và tình báo của Pakistan vẫn tiếp tục cấp tài chính và vũ khí cho Taliban và các nhóm nổi dậy khác ở Afghanistan. Phát biểu tại Thượng viện Mỹ hôm 28-6, Phó Đô đốc William McRaven, chỉ huy các lực lượng đặc nhiệm bí mật của quân đội Mỹ, nói rằng ông tin Mullah Muhammad Omar, thủ lĩnh Taliban, đang ẩn náu ở Pakistan. Tuy nhiên, ông McRaven không nói rõ là chính quyền Pakistan đã “dung túng” hay chỉ đơn thuần không thể tìm thấy Omar.
N. MINH (Theo NYT, The Fiscal Times)