31/03/2013 - 19:24

Đảng bộ xã Giai Xuân (huyện Phong Điền)

Tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ

Hơn hai năm qua, các cấp ủy đảng xã Giai Xuân, huyện Phong Điền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 vào cuộc sống. Đến nay, nhiều chỉ tiêu về xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh đã hoàn thành và vượt so với cả nhiệm kỳ, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VỮNG MẠNH

 Mô hình trồng dưa hấu ở xã Giai Xuân mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đồng chí Phạm Văn Chính, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Giai Xuân, tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 (thời điểm năm 2010), Đảng bộ xã đã thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, các phong trào hành động cách mạng của địa phương vẫn còn hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, song một phần là do hệ thống chính trị của địa phương chưa thực sự vững mạnh; một số chi bộ, đoàn thể ấp hoạt động chưa mang lại hiệu quả. Ngay sau Đại hội, căn cứ vào nghị quyết đề ra, Đảng ủy xã đã lãnh đạo, chỉ đạo thay thế những cán bộ ấp kém năng lực, lớn tuổi; đồng thời củng cố, bổ sung cấp ủy viên cho các chi bộ. Tính đến nay, Đảng ủy xã đã thay thế 5 đồng chí bí thư chi bộ lớn tuổi và thay vào những đồng chí trẻ, có năng lực, nhiệt tình; củng cố, bổ sung 13 ban chi ủy; thay thế 5 cán bộ đoàn thể xã, 15 cán bộ các chi, tổ hội ở ấp. BTV Đảng ủy xã phân công các đồng chí Đảng ủy viên chỉ đạo các chi bộ. Theo đó, hàng tháng, các đồng chí Đảng ủy viên tham gia sinh hoạt với các chi bộ; hướng dẫn các chi bộ sinh hoạt lệ đúng theo các hướng dẫn của cấp trên. Nhờ vậy, đến nay hầu hết các chi bộ đều đã nâng cao chất lượng sinh hoạt, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ. Như Chi bộ ấp Bình Xuân và Chi bộ ấp Tân Hưng, trước đây một số đảng viên tham gia họp lệ hàng tháng chưa đều, trong các cuộc họp ít tham gia phát biểu để xây dựng nghị quyết. Được sự hướng dẫn và giúp đỡ của các đồng chí Đảng ủy viên, những chi bộ này khắc phục được hạn chế, hàng tháng đề ra nghị quyết lãnh đạo sát với tình hình thực tế của khu vực.

Song song với củng cố, kiện toàn, bổ sung cấp ủy các chi bộ và cán bộ các đoàn thể, Đảng ủy xã Giai Xuân chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nhờ vậy, hầu hết các cán bộ, đảng viên đều nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu… Đối với những trường hợp vi phạm kỷ luật, Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cũng tiến hành xử lý nghiêm khắc. Điển hình như năm 2012, qua kiểm tra 2 đảng viên ở Chi bộ Trường Tiểu học Giai Xuân 1 và Chi bộ Trường Tiểu học Giai Xuân 3 có dấu hiệu vi phạm, Đảng ủy đã kết luận 2 đảng viên này vi phạm và tiến hành xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp, từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015 đến nay, hàng năm có trên trên 96% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; 95% chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã đạt Trong sạch vững mạnh (TSVM), Đảng bộ xã giữ vững danh hiệu TSVM (riêng năm 2012 đạt TSVM tiêu biểu); 100% đoàn thể từ xã, đến ấp đạt vững mạnh.

TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Giai Xuân nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu đến năm 2015 thu nhập đầu người đạt 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đến năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 22 triệu đồng. Đồng chí Phạm Văn Chính, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, khẳng định: "Có được kết quả này là do hơn hai năm qua, Đảng ủy xã đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã với nhiều giải pháp quyết liệt trong phát triển kinh tế". Theo đồng chí Phạm Văn Chính, một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế của xã phát triển nhanh, bền vững là do Đảng ủy chỉ đạo tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, các ban ngành, đoàn thể xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, hội thảo chuyên đề để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất; đẩy mạnh công tác vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó phân vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đảng ủy xã cũng lãnh đạo xây dựng 1 hệ thống đê bao khép kín ở 2 ấp Thới An và Tân Hưng với diện tích 220 ha, qua đó đã bảo đảm an toàn cho các vườn cây trái, giảm chi phí trong sản xuất cho nhân dân. Đảng ủy cũng chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể xã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh cải tạo vườn cây ăn trái kém hiệu quả đưa cây vú sữa vào thay thế; đồng thời chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng. Điển hình như xây dựng mô hình trồng dưa hấu không hạt, ban đầu chỉ với 7 ha ở ấp Thới An A, nay đã nhân rộng ra các ấp Bình Xuân, Thới An B, Ba Cao, Tân Hòa, Thới Bình với tổng diện tích từ 40-50 ha/ năm; xây dựng mô hình trồng đu đủ, ban đầu chỉ với diện tích 3 ha ở ấp Thới An B, nay đã nhân rộng ra ở ấp Ba Cao, Thới Bình, Bình Thạnh, Thới Thạnh, với diện tích hơn 20 ha. Anh Phạm Khắc Thuấn, nông dân ở ấp Thới Bình, phấn khởi nói: "Theo chủ trương của xã, tôi đã chuyển đổi 9 công ruộng sang trồng dưa hấu. Ước tính, mỗi công dưa hấu, trừ chi phí sản xuất còn lời 20 triệu đồng/năm, hiệu quả cao hơn trồng lúa. Kinh tế gia đình tôi ngày càng khấm khá hơn". Không chỉ anh Thuấn, theo nhiều nông dân ở xã Giai Xuân, bình quân mỗi công dưa hấu mỗi năm trồng 3 vụ, trừ chi phí sản xuất còn thu lời từ 15-20 triệu đồng/; mỗi công đu đủ, trừ chi phí sản xuất còn thu lời hơn 10 triệu đồng/năm. Song song với phát triển trồng trọt, Đảng ủy xã đã lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể xã, ấp thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, như: thường xuyên tổ chức phun xịt thuốc để tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế các loại dịch bệnh; mỗi năm mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; tín chấp, bảo lãnh cho nhân dân vay vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng… Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm của xã tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, đàn gia súc, gia cầm của xã có khoảng 28.624 con, đạt 159% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra cả nhiệm kỳ.

Hơn hai năm qua, Đảng ủy xã Giai Xuân cũng đã lãnh đạo đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Theo đồng chí Phạm Văn Chính, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã hơn 2 năm qua, các ban, ngành đoàn thể xã vận động nhân dân, các doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp hơn 10,6 tỉ đồng (đạt hơn 300% so với chỉ tiêu đề ra cả nhiệm kỳ) làm mới được 7 tuyến đường bê tông dài 4.200 mét, nâng cấp và sửa chữa 14.000 mét đường giao thông, bắc mới 17 cây cầu, sửa chữa 44 cây cầu. Ông Nguyễn Văn Ba, người dân ấp Thới Bình, nói: "Khi triển khai xây dựng các công trình, cán bộ xã, ấp đều tổ chức họp dân, bàn bạc công khai, dân chủ cách làm, mức đóng góp, thu chi rõ ràng… nên chúng tôi rất tin tưởng và đồng thuận trong đóng góp". Bên cạnh huy động sức dân đóng góp, hơn hai năm qua, Đảng ủy xã đã lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể tranh thủ sự đầu tư của huyện làm mới được 11.000 mét đường bê tông, nạo vét 8.000 mét kênh rạch, làm mới 3.800 mét đê bao…

* * *

Có thể thấy, những nỗ lực và kết quả mà Đảng bộ xã Giai Xuân đạt được trong nửa nhiệm kỳ 2010-2015 là đáng ghi nhận, biểu dương. Từ những kết quả đạt được đã và đang tạo đà vững chắc để Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết