06/05/2023 - 08:27

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục 

Bài, ảnh: Ðặng Ngọc

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ và các kế hoạch triển khai của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) ngành GD&ĐT, quận Bình Thủy luôn đẩy mạnh hoạt động này. Trong đó, nổi bật là các trường học chủ động thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt, ứng dụng CNTT vào dạy và học.

Các bé Trường Mầm non Mai Vàng tham gia Hội thi “Bé với an toàn giao thông đường bộ” cấp trường. Hoạt động này được giáo viên ghi lại hình ảnh, video clip để gửi nhóm zalo, tương tác với phụ huynh.

Cô Trần Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Vàng, quận Bình Thủy, cho biết: “Sau 5 năm triển khai thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt, công tác này đạt hiệu quả tích cực. Đội ngũ nhà trường, phụ huynh học sinh tiết kiệm thời gian, công sức; nguồn thu, chi công khai minh bạch, chính xác, tạo lòng tin với phụ huynh và xã hội”. Năm học 2018-2019, Trường Mầm non Mai Vàng được đưa vào sử dụng và đi vào hoạt động với 76 trẻ. Hiện nay trường có 14 cán bộ, giáo viên, với 270 trẻ/7 lớp. Từ 20 phụ huynh đóng học phí cho trẻ không dùng tiền mặt ở năm học đầu tiên; thì đến nay đã tăng lên khoảng 200 phụ huynh. Để đạt kết quả này, Ban Giám hiệu, thầy cô của trường đã tuyên truyền vận động phụ huynh học sinh về ích lợi khi ứng dụng CĐS vào dịch vụ công. Đồng thời áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua trực tuyến và vẫn giữ hình thức trực tiếp tại trường để đáp ứng yêu cầu của phụ huynh có thêm thời gian dần chuyển đổi. Cô Trần Thị Bình chia sẻ: “Thời gian đầu thực hiện việc thu phí không dùng tiền mặt, vẫn còn có phụ huynh chưa đồng tình ủng hộ, vì chưa quen. Chúng tôi giao nhiệm vụ giáo viên tuyên truyền; còn kế toán, phó hiệu trưởng hướng dẫn trực tiếp phụ huynh cách thức nộp tiền. Từ đó, phụ huynh quen dần, ủng hộ cao cách làm này của trường”.  

Nét nổi bật ở Trường Mầm non Vàng Anh là hầu như tất cả hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, phong trào, hội thi đều được giáo viên ghi hình, chụp ảnh lưu lại để làm tư liệu, xây dựng các video clip phục vụ dạy học, kết nối với phụ huynh học sinh trong giáo dục trẻ. Cô Trần Ngọc Xuân Sơn, Tổ khối trưởng Khối Mầm của trường, cho biết tổ có 6 giáo viên/3 lớp, trong đó có 1 giáo viên phụ trách CNTT. Những hình ảnh, video clip ghi lại các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ, giáo viên sẽ hiệu chỉnh cho phù hợp; sau đó tư liệu này được tổ chuyên môn, ban giám hiệu xem, duyệt gửi lại giáo viên phụ trách các nhóm lớp. “Mỗi nhóm lớp đều có nhóm zalo của phụ huynh, giáo viên gửi các file này để phụ huynh xem để biết trẻ học ở trường như thế nào. Từ đó, phụ huynh trao đổi, vui chơi với bé cũng như cùng với giáo viên chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn; điều này cho thấy việc ứng dụng CNTT vào dạy học hiệu quả”, cô Xuân Sơn nói.

Không chỉ Trường Mầm non Mai Vàng, hầu như tất cả trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận Bình Thủy đều đã triển khai ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Điển hình Trường Tiểu học Bình Thủy, là một trong các đơn vị tiên phong triển khai dạy và học STEM, duy trì hiệu quả các câu lạc bộ STEM-Robotic tại trường. Hay như Trường THCS Long Tuyền đang duy trì dạy và học trực tuyến hiệu quả. Năm học này, Trường THCS Long Tuyền có 867 học sinh, với 47 cán bộ, giáo viên. Ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy và học, nhà trường đã đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị cho các phòng học, phòng chức năng. Trong số 14 phòng học có 7 phòng còn được trang bị tivi. Theo cô Võ Thị Thúy Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải dừng đến trường nhưng không dừng việc học, nhà trường đầu tư 2 phòng học “2 chức năng” phục vụ cho dạy học trực tiếp vừa trực tuyến. Trường còn thành lập tổ công nghệ thông tin hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên trong quá trình giảng dạy ở phòng học này. Tổ CNTT có nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên phụ trách giảng dạy không chỉ ở phòng học trên, mà còn hỗ trợ thầy cô trong CĐS. Cô Phượng cho biết: “Hiện nhà trường vẫn tiếp tục duy trì hình thức học trực tuyến đối với một số lớp, nhóm học bồi dưỡng thêm cho học sinh. Vì 23 lớp học ở trường đều có nhóm zalo, giáo viên gửi bài học, bài tập hoặc dạy trực tuyến qua goolge meet (nếu cần) cho học sinh. Tỷ lệ học sinh vào lớp học trực tuyến đạt trên 90%”.  

*   *   *

Năm học 2022-2023, tất cả 30 điểm trường trên địa bàn quận Bình Thủy đã triển khai thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt; tỷ lệ phụ huynh học sinh tham gia thanh toán không dùng tiền mặt đạt 28%. Bên cạnh đó, quận đã triển khai kế hoạch giáo dục thông minh và học tập suốt đời, trọng tâm là học ngoại ngữ giai đoạn 2021-2030. Quận Bình Thủy là địa phương được Sở GD&ĐT thành phố chọn thí điểm triển khai tại 2 trường THCS (An Thới và Bình Thủy) thực hiện mô hình lớp học thông minh; chọn thí điểm 6/6 trường THCS trên địa bàn quận triển khai sổ liên lạc điện tử; 19/19 trường tiểu học và THCS triển khai các nền tảng số phục vụ quản lý, dạy và học trực tuyến; tất cả 11 trường mầm non triển khai nền tảng số phục vụ quản lý trong dạy học.

Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, việc ứng dụng CNTT, CĐS ở các cơ sở giáo dục đã mang lại tích cực trong quản lý, dạy và học. Điển hình là việc thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng CĐS trong quản lý giáo viên, học sinh (sổ liên lạc điện tử); thực hiện mô hình lớp học thông minh; ứng dụng CĐS trong thực hiện tuyển sinh đầu cấp trong năm học 2022-2023, cũng là năm đầu tiên được triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho các trường, Phòng GD&ĐT. Bà Nguyễn Kiều Phương cho biết ngành hiện vẫn còn gặp một số khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị, phần mềm ứng dụng… Tuy nhiên, toàn ngành tiếp tục nỗ lực khắc phục, tăng cường ứng dụng CNTT, CĐS; vì đây là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Chia sẻ bài viết