26/07/2017 - 15:06

Tăng cường quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại cơ sở 

Thời gian qua, các ngành chức năng của TP Cần Thơ đã làm tốt công tác kết hợp giữa áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn, răn đe với cảm hóa, giáo dục, thuyết phục đối tượng chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, nhiều đối tượng đã tiến bộ, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ trao tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại địa bàn cơ sở. 

 

Thực hiện mô hình “Cảm hóa, quản lý, giáo dục đối tượng” và mô hình “Tuyên truyền bằng xe gắn máy lưu động”, 10 năm qua, các cán bộ khu vực 2, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, đã tiếp nhận, quản lý 58 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống. Hiện nay, cán bộ khu vực còn đang quản lý 18 đối tượng. Từ việc làm tốt công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, hiện 16 trong 18 đối tượng đã tiến bộ, có việc làm ổn định. Anh Chim Hoàng Minh, Cảnh sát khu vực 2, chia sẻ: “Tôi thường kết hợp cán bộ đoàn thể khu vực gặp gỡ, tiếp xúc từng đối tượng để giáo dục, cảm hóa, đồng thời hướng dẫn các các đối tượng viết cam kết không vi phạm pháp luật. Nhờ vậy, công tác quản lý, cảm hóa, giúp đỡ đối tượng dần đi vào nền nếp...”.

Trong quá trình quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, lực lượng công an các cấp của thành phố đã làm tốt công tác kết hợp giữa giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật với giáo dục về lao động nhằm động viên, khuyến khích các đối tượng tham gia lao động để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, Công an cơ sở đã xây dựng được 27 mô hình. Trong đó, mô hình “Đội phục vụ nông nghiệp tái hòa nhập cộng đồng” được thực hiện tại 2 xã Trường Xuân B và Đông Bình (huyện Thới Lai) phát huy hiệu quả tích cực. Bà Nguyễn Thị E, Chủ tịch UBND xã Đông Bình, cho biết: “Khi các hộ dân, các cơ sở kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn có nhu cầu sử dụng lao động, Công an xã trực tiếp giới thiệu các đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng để họ có việc làm, ổn định cuộc sống, không tái phạm”.

 

Qua 10 năm (2007-2017), thành phố đã cảm hóa, giáo dục, gọi hỏi, răn đe 69.813 lượt đối tượng; đưa 12.182 đối tượng ra kiểm điểm trước dân… Ngoài ra, lực lượng Công an đã bàn giao 10.494  đối tượng cho các ban ngành, đoàn thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ; trong đó, có 4.835 đối tượng tiến bộ; đào tạo nghề cho 1.253 đối tượng; giới thiệu việc làm 725 đối tượng…

òn tại xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ), Công an xã đã triển khai, thực hiện mô hình “Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống với người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn”. Hai năm qua, Công an xã đã phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ cho 4 đối tượng vay vốn, với mức từ 7 đến 20 triệu đồng cho mỗi đối tượng. Nhờ vậy, các đối tượng đã có công ăn việc làm ổn định, tiến bộ, không tái phạm. Anh Lê Thành Hưng, ở ấp Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh, cho biết: “Được địa phương hỗ trợ vay vốn, tôi có điều kiện phát triển kinh tế và quyết tâm hoàn lương, không tái phạm”.  Mô hình “Quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú” được thực hiện tại tất cả 13 phường của quận Ninh Kiều, cũng phát huy hiệu quả. Qua công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục của lực lượng công an, cán bộ đoàn thể địa phương, đến nay, toàn quận có 225 đối tượng tiến bộ; nhiều đối tượng đã được tham gia đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, ổn định đời sống.

Theo Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, thời gian tới, các ngành, các cấp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ kỳ thị, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định đời sống. Đồng thời, lực lượng Công an cơ sở tiến hành rà soát, phân loại, cập nhật thông tin về các đối tượng, bổ sung hồ sơ, sổ sách, nhằm chủ động quản lý, phối hợp các ban ngành, đoàn thể tổ chức dạy nghề, tạo điều kiện cho vay vốn, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc để ổn định đời sống... 

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết