04/06/2008 - 10:43

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Na Uy của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Na Uy

Tiếp theo chuyến thăm Cộng hòa Áo, theo chương trình, từ ngày 5-7/6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Na Uy theo lời mời của Nhà vua Harald V. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Vương quốc Na Uy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nằm trên bán đảo Scandinavia ở phía Tây Bắc châu Âu, Vương quốc Na Uy có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn của Na Uy (xuất khẩu thứ 3 thế giới), sau đó là ngành đóng tàu, đánh bắt cá, sản xuất giấy và bột giấy, thủy điện. Na Uy có mô hình kinh tế hỗn hợp giữa kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch dưới sự điều tiết của Chính phủ.

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 11-1971, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Hai bên tích cực trao đổi đoàn các cấp. Các Đoàn Việt Nam tới Na Uy, có các chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (6-1977), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (6-1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (9-1999). Về phía Na Uy, có các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Gro Harlem Bruntland (10-1996), Công chúa Martha Louis thăm với tư cách cá nhân nhân dịp khai trương Làng trẻ em SOS (12-1999) và chuyến thăm của Nhà Vua Harald V cùng với Hoàng hậu Sonja (11-2004).

Trước đây, cũng như các nước Bắc Âu khác, Na Uy có phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam rất mạnh mẽ. Hiện nay, Na Uy tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế. Hai nước cũng hợp tác rất hiệu quả trên các diễn đàn đa phương như: Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và Ngân hàng Thế giới.

Hợp tác kinh tế hai nước trong những năm qua tập trung vào các lĩnh vực Na Uy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: vận tải biển, thủy sản, dầu khí, viễn thông và năng lượng.

Quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước được nối lại kể từ khi hai nước ký Hiệp định khung về Hợp tác phát triển vào tháng 6-1996. Đến nay, tổng viện trợ không hoàn lại của Na Uy cho Việt Nam khoảng 200 triệu USD (trung bình mỗi năm 10 triệu USD), tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Khối lượng viện trợ tuy nhỏ nhưng hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Các dự án tiến triển thuận lợi, mức giải ngân cao (90%), mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Có thể kể đến những dự án điển hình như: Phát triển nông thôn ở Quảng Trị; Xây dựng trường tiểu học vùng lũ lụt tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam; Xây dựng trường nội trú trẻ em nghèo tỉnh Lai Châu.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Na Uy hiện nay gồm: hải sản, hàng dệt may, giày dép, rau quả, cà phê, chè, thủ công mỹ nghệ... Hàng nhập chủ yếu bao gồm: hải sản, bột giấy, khoáng chất, hóa chất, phân bón, chất dẻo, kim loại, thiết bị viễn thông... Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều có xu hướng tăng nhưng vẫn còn khiêm tốn, dưới 100 triệu USD/năm.

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, theo chương trình, Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân sẽ diễn ra tại Hoàng cung Na Uy. Chủ tịch nước sẽ hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Thorbjorn Jagland, Thủ tướng Jens Stoltenberg; gặp gỡ bà con Việt kiều... Hai bên sẽ ký kết một số văn kiện về hợp tác trong lĩnh vực môi trường, giáo dục đào tạo...

Với 14 dự án có tổng vốn đăng ký là 35,2 triệu USD, Na Uy hiện đứng thứ 43/82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Na Uy tại nước ta đã tạo hơn 600 việc làm trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp. Tuy nhiên, do cách xa nhau về địa lý và doanh nghiệp ít có cơ hội tìm hiểu thông tin về nhau, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa có dự án đầu tư trực tiếp sang nước bạn và kim ngạch thương mại song phương còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ diễn ra diễn đàn doanh nghiệp hai nước vào ngày 6-6 tại Thủ đô Oslo. Đây là cơ hội để 60 doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội để tăng cường hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại với các đối tác Na Uy.

HOÀNG THỊ HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết