10/02/2025 - 05:14

Tăng cường giải pháp ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn 

Theo các nhà khoa học, tại ĐBSCL tình trạng khô hạn bước vào giai đoạn cao điểm, nước trên các con sông, kênh, rạch ngày càng xuống thấp; xâm nhập mặn (XNM) bắt đầu lấn sâu vào nội đồng, đe dọa sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL tập trung thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế để chủ động ứng phó…

Hoạt động bơm tát nước tại các trạm bơm ở huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) phục vụ sản xuất trong mùa khô, hạn.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay việc tích nước ở các thủy điện trên lưu vực sông Mekong cao hơn so với cùng thời kỳ ở các năm trước. Vận hành hợp lý các hồ này sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất ở ĐBSCL trong năm, ngược lại vận hành tích nước bất thường có thể gây ra các tác động bất lợi. Những tháng qua, các hồ thủy điện vẫn xả nước rất hạn chế làm nguồn nước về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm, chính vì vậy việc xem xét khuyến nghị các nước thượng lưu sông Mekong xả nước gia tăng trong tháng 2 đến giữa tháng 3 là cần thiết. Việc này sẽ góp phần giảm thiểu các thiệt hại không đáng có ở điều kiện khí hậu thủy văn như năm nay.

Theo khuyến cáo, các địa phương trong vùng ĐBSCL chủ động tăng cường các biện pháp trữ nước khi cần để đảm bảo an toàn cho sản xuất. Cụ thể, vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, nhưng cần tranh thủ tích nước khi cần thiết. Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, trong tháng 2 này ranh mặn 4g/l ảnh hưởng sâu nhất trên các cửa sông khoảng 45-55km. Vùng ven biển ĐBSCL, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, mặn lên cao và kéo dài ở nửa đầu tháng 2 và cuối tháng 2, ranh mặn 4g/l có thể vào sâu 45-55km, từ các cửa sông. Các địa phương cần tranh thủ tích ngọt đảm bảo đủ nước cho sản xuất, tăng cường giám sát mặn và theo dõi cập nhật các bản tin dự báo để lấy nước phù hợp, phục vụ sản xuất cây trồng.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định: Năm 2025, nguồn nước về ĐBSCL thuộc nhóm năm dưới trung bình nước, tần suất dòng chảy các tháng kiệt ở mức 60-75%, phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực. Dự báo XNM mùa kiệt 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các tỉnh cơ bản đã hoàn thành việc xuống giống vụ đông xuân 2024-2025. Nhu cầu nước ở ĐBSCL vào thời kỳ sử dụng nước cao điểm trùng với thời kỳ khan hiếm nước trên đồng bằng, tháng 2 đến tháng 4 là thời kỳ mặn cao, vì vậy các địa phương ven biển cần chủ động các giải pháp ứng phó phòng, chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.

Bên cạnh đó, việc tích nước ở các thủy điện trên lưu vực Mekong mùa lũ năm 2024 cao hơn so với cùng thời kỳ ở các năm trước. Hiện mức nước trữ bình quân các hồ chứa trên lưu vực đạt 78,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 đến 11 tỉ m³. Trong thời gian qua các hồ thủy điện thượng nguồn vẫn xả nước rất hạn chế làm nước về thấp, vận hành tích nước bất thường có thể gây ra các tác động bất lợi. Kế hoạch sử dụng nước cho các địa phương ĐBSCL thời gian tới cần đảm bảo an toàn, đủ nước. Vùng thượng ĐBSCL nguồn nước đủ, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn (tỉnh An Giang), cần thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước. Vùng giữa ĐBSCL, nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Tranh thủ tích nước ngay khi có thể các dịp 5-8/2 và 16-20/2. Vùng ven biển ĐBSCL, XNM bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ, sử dụng nước hợp lý, đặc biệt là nước đảm bảo cho các vùng cây ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng.

Tại TP Cần Thơ, hiện nay công tác thủy lợi mùa khô, thủy lợi nội đồng ứng phó khô hạn, XNM được ngành chức năng TP Cần Thơ và các địa phương triển khai thực hiện. Đặc biệt, ngành chức năng thành phố quản lý, tập tung khai thác có hiệu quả từ Dự án nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó XNM do BĐKH gây ra, với các trạm quan trắc môi trường, chất lượng nước tại các sông chính trên địa bàn. Kết quả quan trắc, cảnh báo mặn xâm nhập từ các trạm quan trắc này sẽ được kịp thời cung cấp cho đơn vị chức năng, người dân trên địa bàn ứng phó…

Năm 2024, TP Cần Thơ tập trung phát huy mọi nguồn lực để tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, như phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phòng, chống sạt lở các sông, rạch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Các sở, ngành chức năng của thành phố sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, điều kiện khí hậu, khí tượng thủy văn… để triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng cứu kịp thời, có phương án đối phó với mọi tình huống bất trắc do khô hạn, XNM gây ra; thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, rạch nhằm giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng sản xuất của người dân...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Các hoạt động về ứng phó khô hạn, đề phòng và cảnh báo XNM được thành phố tập trung thực hiện. Nhất là công tác cảnh báo nhằm kịp thời thông tin về tình hình XNM để các cấp, các ngành và người dân ứng phó. Theo dự báo, khô hạn, XNM diễn ra gay gắt tại ĐBSCL trong các tháng tới, thành phố tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách cho công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, XNM, tìm kiếm cứu nạn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ứng phó khô hạn, biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết