23/04/2025 - 08:43

Tăng cường giải pháp dựa vào thiên nhiên trong quản lý nguồn nước ngọt 

Trước những thách thức ngày càng nghiêm trọng về biến đổi khí hậu (BÐKH) và đô thị hóa, TP Cần Thơ cũng như các địa phương vùng ÐBSCL đang tích cực tham gia một số sáng kiến khu vực nhằm ứng dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên (Nature-based Solutions - NBS) trong quản lý nước đô thị bền vững. Các dự án, công trình này từng bước được triển khai thực hiện tại TP Cần Thơ và đưa ra giải pháp ứng dụng hiệu quả trong tương lai… 

Mực nước dưới kênh, rạch tại TP Cần Thơ xuống thấp vào những tháng mùa khô năm 2025.

Thách thức nguồn nước

TS Lê Hữu Quỳnh Anh, Viện Tài chính Bền vững - thuộc Trường Ðại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, áp lực gia tăng dân số và tác động ngày càng rõ nét của BÐKH làm cho các thành phố khu vực Ðông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Nhất là nguồn nước bị suy giảm chất lượng, trữ lượng nước đến hiện tượng ngập úng, hạn hán, ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Ðối với TP Cần Thơ, các thách thức nêu trên ngày càng trở nên cấp bách, đòi hỏi những tiếp cận đổi mới trong quản lý tài nguyên nước cần triển khai thực hiện kịp thời.

Các hiện tượng trên càng thấy rõ trong mùa khô, hạn hằng năm tại ÐBSCL. Ðiển hình, hiện nay nguồn nước về ÐBSCL thuộc nhóm năm dưới trung bình nước, tần suất dòng chảy các tháng kiệt ở mức 60-75%, phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực sông Mekong. Mặn xâm nhập mùa kiệt 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và tăng cao từ tháng 2 đến tháng 4 với mức xâm nhập từ 35-60km, cách cửa sông. Cao điểm mặn xâm nhập gây thiếu nước ngọt cục bộ, nhất là tại khu vực ven biển, mặn xâm nhập vào sâu ở các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh… Tại TP Cần Thơ, vào thời điểm mùa khô, hạn, Ðài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt một cách phù hợp nhất. Ngành chức năng tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn (của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia; Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam; Ðài Khí tượng Thủy văn Cần Thơ) để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thành phố kiểm tra, vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh...

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: Từ những khó khăn, hạn chế, thiếu nước ngọt vào mùa khô thì tiếp cận các giải pháp dựa vào tự nhiên trong cấp thoát nước đô thị là xu hướng tất yếu, nhằm hướng tới phát triển bền vững nguồn nước ngọt, đặc biệt trong bối cảnh BÐKH và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Một hệ thống cấp thoát nước bền vững không chỉ đảm bảo cung cấp nước sạch và xử lý nước thải đạt chuẩn, mà còn phải thích ứng tốt với những bất lợi trong tương lai. Bên cạnh các giải pháp công trình truyền thống như trạm bơm, nhà máy xử lý, hệ thống ống dẫn… các giải pháp phi công trình như quy hoạch sử dụng nước, tái sử dụng nước, giáo dục cộng đồng và chính sách khuyến khích tiết kiệm nước cần được kết hợp linh hoạt. Ðặc biệt, việc áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, như tăng cường cây xanh đô thị, phục hồi hệ sinh thái rừng đầu nguồn, cải tạo đất thấm, xây dựng hồ trữ nước phân tán… sẽ giúp giảm chi phí, tăng khả năng lưu trữ nước, điều tiết lũ và cải thiện vi khí hậu. Kinh nghiệm từ những dự án như sông Cheonggyecheon (Hàn Quốc) hay bài học "lấp rồi đào lại" kênh Hàng Bàng (TP Hồ Chí Minh) cho thấy tầm quan trọng của việc tôn trọng quy luật tự nhiên trong quy hoạch đô thị là rất cần thiết. "Tôi kiến nghị Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các giải pháp NBS, tăng cường hợp tác công - tư, huy động sự tham gia của cộng đồng và nâng cao năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên nước thời gian tới..." - PGS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Dựa vào tự nhiên trong quản lý nước

Theo TS Lê Hữu Quỳnh Anh, Dự án "Ðánh giá các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước đô thị ở các thành phố Ðông Nam Á" được tài trợ thực hiện bởi Mạng lưới Nghiên cứu Thay đổi Toàn cầu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APN), triển khai từ tháng 10-2024 đến tháng 9-2027. Có 3 thành phố đại diện cho 3 quốc gia được chọn làm điểm nghiên cứu là TP Cần Thơ (Việt Nam), Chiang Rai (Thái Lan) và Phnom Penh (Campuchia). Tham gia dự án là các viện, trường đại học uy tín như Viện Công nghệ châu Á (AIT), Ðại học Thammasat (Thái Lan), Viện Công nghệ Campuchia, Bộ Môi trường Campuchia, Ðại học Cần Thơ và một số trường đại học tại TP Hồ Chí Minh. Sự hợp tác xuyên quốc gia này không chỉ thúc đẩy trao đổi tri thức mà còn hướng đến mục tiêu chung: Tăng cường an ninh nguồn nước đô thị trong bối cảnh BÐKH.

Theo đó, dự án được triển khai thành 4 phần, gồm: phân tích thực trạng tài nguyên nước. Trong đó sử dụng mô hình khí hậu toàn cầu CMIP6, kết hợp với phần mềm MIKE và SWAT, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá các kịch bản BÐKH ảnh hưởng đến cân bằng nước tại các đô thị, trong đó có Cần Thơ. Tiếp theo là đánh giá giải pháp NBS, nhóm nghiên cứu tổng hợp dữ liệu môi trường, xã hội, kinh tế để xác định các giải pháp NBS phù hợp. Xây dựng mô hình thí điểm NBS, đây là bước quan trọng để kiểm chứng tính khả thi và hiệu quả của các giải pháp trong điều kiện thực tế. Nâng cao năng lực và phổ biến kết quả nghiên cứu thông qua hội thảo, tập huấn và các hoạt động khuyến nghị chính sách, dự án sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương và cộng đồng nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng NBS trong quản lý nước đô thị.

TS Lê Hữu Quỳnh Anh cho biết, dự án kỳ vọng mang lại 4 nhóm kết quả lớn, như giúp cộng đồng hiểu rõ hơn tác động của khí hậu đến tài nguyên nước thông qua các mô hình dự báo; lựa chọn được giải pháp NBS phù hợp với từng thành phố, dựa trên đặc điểm tự nhiên - xã hội riêng của từng vùng; triển khai thành công hai mô hình thực nghiệm tại Cần Thơ và Chiang Rai, tích hợp bài học từ Phnom Penh; đồng thời đề xuất chính sách và khuyến nghị thực tiễn, hỗ trợ quá trình ra quyết định quản lý, bảo tồn nguồn nước ngọt đô thị ở cấp chính quyền.

PGS.TS Ngô Thúy Diễm Trang - Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: Qua dự án trên, chúng tôi cũng kiến nghị ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương tăng cường lồng ghép NBS vào chính sách quy hoạch đô thị, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp địa phương, cũng như đẩy mạnh truyền thông và giáo dục cộng đồng. NBS không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là chiến lược phát triển đô thị bền vững cần được đầu tư nghiêm túc và đồng bộ trong thời gian tới…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết