07/04/2016 - 20:51

ÔNG TRẦN QUỐC KHÁNH, THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG, TRƯỞNG ĐOÀN ĐÀM PHÁN CHÍNH PHỦ VỀ KINH TẾ VÀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ:

TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ ĐỂ TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ, ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG

 

Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang diễn ra sâu rộng. Bên cạnh kỳ vọng về cơ hội đưa nền kinh tế phát triển là những thắc mắc, băn khoăn về sự thích nghi của doanh nghiệp với bối cảnh mới. Tại sao Việt Nam phải "mở cửa" rộng hơn vào thời điểm này? Liệu chúng ta có đủ mạnh để bước vào sân chơi toàn cầu?... luôn được người dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Bên lề Hội nghị "Phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia" vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, xoay quanh vấn đề này. Ông Trần Quốc Khánh cho biết:

- Kể từ khi đổi mới, Việt Nam đã tích cực hội nhập kinh tế trên tất cả các phương diện song phương, khu vực và đa phương. Về song phương, ta đã ký một số hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, Hiệp định Đối tác Kinh tế với Nhật Bản. Về khu vực, Việt Nam tham gia khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ năm 1995. Sau đó, cùng với ASEAN, ta cũng đã tham gia các thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Về đa phương, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO từ năm 2007. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập kinh tế không dừng lại ở đó. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, Việt Nam tiếp tục đàm phán một số hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA với Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu... Đây là những FTA thế hệ mới, đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra một số thách thức cho nền kinh tế.

* Thời gian qua, Việt Nam đã có những thành công nhất định từ việc hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta có định hướng gì để tiếp tục vươn ra "sân chơi" lớn hơn, thưa ông?

- Chúng ta có nhu cầu nâng cao vị thế của Việt Nam, giúp Việt Nam có thể thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong một khu vực đang diễn ra cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Việc có quan hệ thương mại tự do với một số đối tác lớn sẽ giúp chúng ta thực hiện được điều này. Bên cạnh đó, FTA với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Liên bang Nga... cũng giúp mở ra các cơ hội mới cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, giúp ta có cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,5 tỉ USD vào năm 2025; xuất khẩu tăng thêm 68 tỉ USD vào năm 2025...

Việc mở cửa thị trường, tìm hướng đi cho các loại nông sản lợi thế như gạo, thủy sản, trái cây... sẽ được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

* Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại sức cạnh tranh của các ngành hàng lợi thế cũng như doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng còn kém, liệu chúng ta có đủ sức khi tham gia các FTA thế hệ mới như TPP?

- Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, lo lắng là một cảm xúc tốt, ít nhất là tốt hơn tự tin bởi tự tin quá sẽ dẫn đến chủ quan, "khinh địch". Tuy nhiên, cũng không nên lo lắng quá bởi đây không phải lần đầu tiên chúng ta giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường cho bên ngoài. Từ năm 1987, ta đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài và đón nhận cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực. Từ năm 1995, ta bắt đầu giảm thuế cho hàng hóa của các nước ASEAN, những đối thủ cạnh tranh với ta. Năm 2000, cùng với việc ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, ta đã mở cửa thị trường bán buôn, bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm..., đồng thời đưa ra các cam kết về bảo hộ đầu tư nước ngoài, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... Khó khăn là có nhưng nền kinh tế nước ta đã không đổ vỡ, ngược lại, đã có sự phát triển vượt bậc trong 20 năm qua. So với năm 1995, xuất khẩu đã tăng hơn 30 lần, từ 5 tỉ USD lên trên 160 tỉ USD. Các tỉnh ĐBSCL cũng được hưởng lợi từ tiến trình này.

Sức ép cạnh tranh từ các FTA thế hệ mới là có, nhưng sẽ không lớn tới mức làm ta đổ vỡ. Sở dĩ như vậy là do cơ cấu hàng xuất khẩu của các nước như Hoa Kỳ, EU, Liên bang Nga, Hàn Quốc... có tính bổ sung hơn là cạnh tranh với ta. Hay nói cách khác, họ có những thứ mà ta không có và ta có những thứ mà họ cần. Ngay cả những thứ mà ta và họ cùng có, như sắt thép, thì sản phẩm của họ và ta cũng hướng đến các phân khúc thị trường khác nhau, không cạnh tranh đối đầu nhau.

* ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước, trong khi đây được đánh giá là ngành dễ bị tổn thương nhất. Vậy, Chính phủ đã có bước chuẩn bị gì để làm "bệ đỡ" cho doanh nghiệp, nông dân khi bước vào sân chơi mới?

- Trước hết, trong đàm phán, Chính phủ chỉ đạo việc xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nhạy cảm như: thịt lợn, thịt gà phải được thực hiện theo một lộ trình đủ dài, ít nhất là 10 năm kể từ năm 2015, để bà con có thêm thời gian chuẩn bị và ứng phó. Việc mở cửa thị trường các nước cho các loại nông sản như: gạo, thủy sản, trái cây... phải được quan tâm đặc biệt để bà con có thể chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ có các giải pháp giúp bà con tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn và bền vững hơn. Đặc biệt, sẽ có các giải pháp để đưa doanh nghiệp đến với nông nghiệp, tiến lên sản xuất quy mô lớn để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hạ giá thành và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Với tất cả những nỗ lực này, tôi tin rằng bà con nông dân cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ tự tin hơn với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà ta vừa kết thúc đàm phán.

Hội nhập kinh tế quốc tế luôn có sự song hành giữa cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Việt Nam qua 30 năm đổi mới và hội nhập vừa qua cho thấy mặt thuận lợi là mặt cơ bản, chủ yếu; rủi ro và thách thức là có thể kiểm soát được nếu có sự thống nhất về nhận thức và hành động để phòng chống rủi ro, vượt qua thách thức. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, nỗ lực cao độ và lộ trình thực hiện được vạch ra bài bản, Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt được các cơ hội và vượt qua được các thách thức của hội nhập.

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết