12/05/2021 - 21:59

Tâm trạng tuyệt vọng bao trùm Ấn Độ 

Những gì xảy ra ở các thành phố lớn của Ấn Ðộ cách đây vài tuần đang lan sang các vùng nông thôn, gây ra sự hoảng loạn tại những khu vực thiếu hụt cơ sở hạ tầng y tế giữa lúc đại dịch COVID-19 không ngừng hoành hành.

Vận chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: EPA

Cuộc khủng hoảng ở Ấn Ðộ dường như đang bước sang một giai đoạn mới. Số ca nhiễm ở thủ đô New Delhi và thành phố Mumbai đang chững lại, nhưng nhiều nơi khác giờ đây mới thực sự thấm đòn. Sự tuyệt vọng từng bao trùm New Delhi trong những tuần qua hiện lan rộng trên khắp đất nước Nam Á này. Các khu vực nông thôn với cơ sở hạ tầng y tế yếu kém đang dần cảm nhận sức tàn phá khủng khiếp từ “sóng thần” COVID-19. Câu hỏi đặt ra là nếu New Delhi, nơi có nhiều bệnh viện và quy tụ tầng lớp tinh hoa của Ấn Ðộ còn không thể xử lý sự gia tăng số ca lây nhiễm trong đợt sóng mới, thì điều gì sẽ xảy ra ở các vùng quê nghèo?

Nhiều bang ở miền Nam Ấn Ðộ dọa sẽ ngừng chia sẻ ô-xy y tế với nhau, quyết bảo vệ những gì đang có khi các bệnh viện tại đây ngày càng quá tải vì phải tiếp nhận số ca mắc COVID-19 tăng vọt. Hồi đầu tuần này, gia đình của các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị một bệnh viện ở bang Andhra Pradesh đã nổi cơn thịnh nộ sau khi nguồn cung ô-xy đột ngột bị gián đoạn. Tuy các bác sĩ đã cuống cuồng cầu cứu các nhà cung cấp ô-xy, nhưng vẫn không thể cứu được 11 bệnh nhân. Hiện ít nhất 20 bệnh viện tại Ấn Ðộ đang cạn kiệt ô-xy và gần 200 bệnh nhân đã tử vong vì thiếu dưỡng khí.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm vaccine vẫn đang được đẩy mạnh nhưng cung không đủ cầu. Một số điểm tiêm chủng tại các bang hết sạch vaccine và người dân vẫn chưa thể hẹn lịch chích ngừa.

Sử dụng những liệu pháp phi khoa học

Trong bối cảnh trên, không ít người dân Ấn Ðộ tìm đến các trang trại nuôi bò để tắm mình trong phân và nước tiểu của chúng, vì tin điều này có thể giúp họ khỏi bệnh hoặc miễn nhiễm với SARS-CoV-2. Ðơn cử như tại bang Gujarat, một số người đã tìm đến cái gọi là “liệu pháp phân bò”. Theo đó, mỗi tuần một lần họ lại đến chuồng bò, bôi chất thải này lên khắp người với hy vọng có thể tăng sức đề kháng của cơ thể trước COVID-19. Tuy nhiên, giới bác sĩ Ấn Ðộ cảnh báo người dân không nên tin vào “liệu pháp phân bò” có thể chữa bệnh, vì hoàn toàn phi khoa học và thậm chí khiến họ đối mặt nguy cơ nhiễm những bệnh khác. Trước đó, có người còn thắp nến và đập chậu để tạo tiếng ồn xua đuổi virus.

Khi “bão” COVID-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, làn sóng chỉ trích Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi ngày càng dâng cao. Nhiều người thậm chí kêu gọi ông Modi từ chức vì đã không ngăn chặn được làn sóng COVID-19 thứ hai cũng như xem thường đại dịch. Họ phê phán ông Modi tuyên bố chiến thắng dịch bệnh quá sớm, khiến cả nước rơi vào tình trạng mất cảnh giác.

Bộ Y tế Ấn Ðộ ngày 12-5 công bố số liệu thống kê cho thấy tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên hơn 254.000 ca. Chỉ tính riêng trong 24 giờ qua đã có 4.205 người không qua khỏi và đây là con số cao kỷ lục. Trong giai đoạn đó, Ấn Ðộ cũng ghi nhận 348.421 ca mắc mới, đẩy tổng số ca nhiễm lên hơn 23,3 triệu.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm 

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định thay đổi chiến lược xét nghiệm COVID-19 và tập trung vào phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) để có kết quả nhanh hơn và qua đó cách ly người bệnh sớm hơn. 

Phát biểu họp báo ngày 11-5, Giám đốc Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) Balram Bhargava cho biết chính phủ nước này sẽ “hợp lý hóa” việc sử dụng phương pháp RT-PCR, vốn được coi là “tiêu chuẩn vàng” cho việc xét nghiệm COVID-19. Ông Bhargava nói: “Trước tình trạng các ca nhiễm tăng mạnh, điều cần thiết hiện nay là phải tích cực sử dụng phương pháp RAT để có thể phát hiện ca nhiễm nhanh hơn. RAT sẽ được thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế của chính phủ và các cơ sở tư nhân. Các trạm RAT sẽ được thiết lập trong các trường học, trung tâm cộng đồng và khu dân cư”. 

Cho đến nay, Chính phủ Ấn Độ vẫn nhấn mạnh 70% các xét nghiệm phải là RT-PCR và 30% là RAT. Tuy nhiên, việc trả kết quả chậm đã khiến công tác cách ly và điều trị bệnh nhân bị chậm trễ. Theo ông Bhargava, phương pháp RAT cũng sẽ giúp người dân ở các vùng nông thôn dễ dàng tiếp cận xét nghiệm.

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times, CNN)

Chia sẻ bài viết