Quân đội Mỹ lại có dịp thể hiện vai trò "chống lưng" cho các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giữa lúc Nga đưa quân sang CH tự trị Crimea thuộc Ukraina và sẵn sàng tiếp nhận bán đảo chiến lược gần Địa Trung Hải này vào LB Nga.
Cụ thể, Lầu Năm Góc vừa điều thêm 6 chiến đấu cơ F-15 (hiện có sẵn 4 chiếc) và một máy bay tiếp nhiên liệu trên không đến Litva, đồng thời sẽ đưa 16 chiếc F-16 cùng 300 chuyên gia huấn luyện quân sự tới Ba Lan vào tuần tới. Đây là lần đầu tiên Mỹ tăng cường chiến đấu cơ đến vùng Baltic kể từ khi các nước khu vực này gia nhập NATO năm 2004. Tàu khu trục USS Truxtun cũng đã bắt đầu tới biển Đen để tham gia tập trận với hải quân Bulgarie và Roumanie. Trước đó, Phó Tổng thống Joe Biden và Tướng lục quân Martin Dempsey đã gọi điện cho các nhà lãnh đạo Baltic để trấn an và cam kết quân đội Mỹ luôn túc trực "bảo kê" an ninh cho đất nước họ.
Litva tỏ ra lo ngại nguy cơ can thiệp quân sự của Nga lớn nhất, bởi đây là nước cộng hòa đầu tiên tuyên bố tách khỏi LB Xô-viết năm 1990 và là nước tích cực lên tiếng chống Nga trong vấn đề Gruzia cũng như Ukraina . Ngân sách quốc phòng hàng năm của nước này chỉ chiếm khoảng 0,8% GDP, tương đương 390 triệu USD. Litva không thể tăng thêm chi tiêu quân sự, trong bối cảnh họ phải kiềm chế thâm hụt ngân sách hòng có thể đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập vào khu vực đồng euro vào năm tới.
Tuy nhiên, Litva chỉ có khoảng 6% dân số là người gốc Nga, trong khi ở Latvia và Estonia có ¼ số dân tự nhận mình là người Nga. Cho nên, cả ba quốc gia Baltic này đều mong muốn được Mỹ che chở. Có điều thông qua NATO, Mỹ đã nhiều lần thúc giục các nước thành viên chưa đạt chuẩn quân sự phải hiện đại hóa và mua sắm vũ trang. Như Ba Lan đã có kế hoạch dốc hầu bao 45 tỉ USD trong 10 năm tới để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới và nâng cao hệ thống vũ khí hiện thời.
Số lượng khí tài mà Mỹ đã và đang chuẩn bị đưa đến Ba Lan và các quốc gia Baltic dù mang tiếng xoa nỗi lo của đồng minh nhưng rất khiêm tốn, không thể đủ sức răn đe Nga. Mà như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nêu rõ, phản ứng quá nghiêm trọng của Mỹ đối với mối đe dọa Nga tại Ukraina chỉ là "thành kiến". Tuy nhiên, kiểu tâm lý thời chiến kích động các nước Baltic, Ba Lan tích cực trang bị vũ trang để tự vệ, đặc biệt trong điều kiện Mỹ buộc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng và chuyển chiến lược tập trung an ninh vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
KIẾN HÒA (Theo Bloomberg, Reuters)