15/10/2023 - 09:18

Tâm lý ngại nghỉ phép của người Nhật 

Ở Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng về tác phong làm việc nhiều giờ và lòng trung thành của nhân viên với công ty, nghỉ phép hưởng lương là việc hiếm khi xảy ra. Bằng chứng là theo một khảo sát gần đây của công ty nhân sự Staff Service trên người lao động ở nhiều độ tuổi, chỉ có một nhóm nhỏ người lao động từng sử dụng hết ngày phép hằng năm của họ.

Văn hóa làm việc siêng năng khiến nhiều người Nhật thường ngại xin nghỉ phép.

Cụ thể, kết quả khảo sát được thực hiện trực tuyến trên 920 người cho thấy chỉ khoảng 19% trong nhóm từ 18-27 tuổi đã sử dụng hết thời gian được nghỉ phép hàng năm của họ và tỷ lệ này giảm xuống còn 18% ở nhóm từ 28-42 tuổi. Tỷ lệ nghỉ phép đạt mức thấp 16% ở nhóm từ 43-52 tuổi. Thậm chí, ở nhóm có nhiều khả năng sử dụng hết tất cả các ngày nghỉ hưởng lương là từ 53-62 tuổi, tỷ lệ này cũng chỉ là 22,6%.

Theo khảo sát, có 43,7% người thừa nhận cảm thấy “không thoải mái” khi yêu cầu nghỉ phép. 17% người lao động không xin nghỉ phép hưởng lương hàng năm tại công ty của họ, trong khi 57% cho biết chỉ dùng một nửa số ngày nghỉ phép hưởng lương theo quyền lợi của mình.

Thông thường, chế độ nghỉ phép có lương của nhân viên toàn thời gian tại các công ty Nhật Bản bắt đầu với 10 ngày nghỉ hưởng lương mỗi năm và số ngày phép sẽ tăng thêm 1 ngày sau mỗi năm. Khi có thâm niên làm việc trên 6 năm rưỡi, số ngày nghỉ hưởng lương sẽ đạt mức tối đa 20 ngày. Còn theo luật pháp Nhật Bản, đa số người lao động được hưởng 16 ngày nghỉ lễ trong năm.

Ngoài thời gian nghỉ lễ hằng năm, người lao động Nhật còn có thể xin nghỉ làm vào các dịp đặc biệt liên quan đến gia đình - như để chăm con, nghỉ đám cưới hay lo tang sự cho người thân. Trong đó, thời gian nghỉ thai sản của người mẹ bao gồm 6 tuần trước ngày dự sinh cho đến 8 tuần sau khi sinh con. Còn thời gian nghỉ thai sản của người cha được áp dụng 4 tuần sau khi sinh con. Sau khi kết thúc hai thời gian nghỉ phép này, những bậc cha mẹ có thể xin nghỉ chăm con thêm tối đa 1 năm sau đó.

Tuy nhiên, người lao động Nhật không thể cộng dồn thời gian nghỉ phép hàng năm của mình quá 2 năm. Một số công ty thậm chí còn ấn định ngày hết hạn nghỉ phép hưởng lương là sau 1 năm. Khái niệm “nghỉ bệnh” không tồn tại ở Nhật, do các nhân viên thường sử dụng ngày nghỉ phép hàng năm nếu họ muốn nghỉ ngơi. Song, văn hóa làm việc truyền thống ở Nhật thường khiến người dân cảm thấy “không thoải mái” và “xấu hổ” khi xin nghỉ làm.

“Cách đây chưa đầy hai thế kỷ, hầu như mọi người ở Nhật Bản đều là nông dân kiếm sống bằng nghề trồng trọt. Lúc đó, mọi người đều giúp đỡ hàng xóm khi trồng lúa và thu hoạch. Mọi người phải làm việc cùng nhau và nếu ai đó trong cộng đồng không giúp đỡ thì họ sẽ khiến mọi người thất vọng và bị coi là lười biếng và ích kỷ” - ông Ken Kato, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Tokyo, lý giải về việc người Nhật thường ngại xin nghỉ phép.

Hồi năm 2018, Chính phủ Nhật thừa nhận rằng có những vấn đề trong tác phong làm việc truyền thống của quốc gia, trong đó có việc người lao động không chịu nghỉ phép. Hậu quả của sự tận tâm làm việc này đã thể hiện ở hiện tượng tử vong do làm việc quá sức ở Nhật - gọi là “karoshi”.

NGUYỆT CÁT (Theo SCMP, Tokhimo.com)

 

Chia sẻ bài viết