Những hàng chữ rõ ràng, đều đặn dễ đọc lướt nhanh trên nền bảng màu xanh lá. Nhìn khung bảng xanh, lòng cô giáo Thành nao nao bao cảm xúc. Có một điều gì đó gắn bó với cô lắng dần, dày lên theo thời gian. Có thể cô đã quên, hoặc nhớ lộn xộn, nhưng khi nhìn những mái đầu của các trò nhỏ nghiêng nghiêng theo từng nét chữ viết ra, cô như lắng dịu. Chợt thấy như xa lắm những giọt nước mắt khóc chồng bị giặc bắt tù đày, những khoảng thời gian cô như mất trí khi hai đứa con rời bỏ cô sang thế giới khác. Lại thấy rất gần những buổi sáng tinh sương, chiếc ghe tam bản từ vùng giải phóng chở những đứa trẻ ra lớp học của cô. Trong tiếng đạn bom, trong bao đôi mắt rình rập của bọn lính đồn, biệt kích... tiếng học bài và tiếng cười trong trẻo vô tư ấy giữ chặt trái tim người thầy.
|
|
Nhớ lúc từ lớp sư phạm kháng chiến về ngôi trường vùng sâu, chỉ hai phòng lớp, mười mấy học sinh học trong tiếng đạn pháo, giữa tư thế chạy khi giặc càn. Rồi quen với con đường làng đầy cỏ, bờ tre, dòng sông bến nước và dáng đen nhẻm của Minh, cậu học trò với mớ ống trúm bắt lươn- cũng là giao liên nhanh nhẹn thông minh. Còn có Thành khoe chỉ các chú trên R đốn nguyên thân chuối dùng hai bẹ ốp lại quấn dây xung quanh gài hom để làm thành trúm, mồi là nhái nướng. Vậy là tụi giặc có càn cả tuần lễ cũng không sợ đói. Hay bé Điệp giờ chơi chạy riết về nhà bưng cho cô ly mủ gòn nói má em dành cho cô. Rồi các em lớn dần, đem theo lời giảng ra trận, có em thành thương binh, có em mãi mãi không về.
Khi đất nước hòa bình, cô sung sướng đứng trên bục giảng với học trò nhỏ. Các em trở thành niềm hãnh diện của cô khi đạt được danh hiệu tiên tiến xuất sắc, đôi khi làm bận lòng người thầy bởi những điểm xấu, tính khí ngỗ nghịch. Cô đến từng nhà học sinh nghỉ học để giúp. Như Luyn, mẹ ốm đau luôn, cha suốt ngày say rượu, đứa em nhỏ còi cọc thiếu ăn lúc nào cũng thèm cơm. Vào mùa nước son em thèm ăn cá bống trứng, Luyn bỏ học đi xúc cá, vừa để phần em vừa bán có tiền mua thuốc cho mẹ. Lúc cô Thành tìm đến nhà gặp Luyn đang quẹt nước mắt thút thít khóc. Hỏi ra thùng cá bị ba đem ra làm mồi đãi các chiến hữu lưu linh. Cô giáo cùng học trò tỉ tê, sáng mai lớp học lại có mặt Luyn, cô vận động trong nhà trường giúp em đến lớp. Nước mắt cô Thành vẫn hay rơi khi nghĩ đến đứa học trò nhà nghèo quá, bữa ăn cơm độn chuối, rau trai bóp muối, nước cơm làm canh. Hay có học trò mỗi ngày đi học về tiếp mẹ làm cỏ mía mướn, tối phải theo ba ra đồng giăng lưới, thời giờ đâu mà học hành...
Mùa điên điển lại vàng bông, cô Thành nhớ vuông sân trường còn đọng nước, nhớ thời kỳ khó khăn ăn độn bo bo, những buổi ngoài giờ thầy cô chống xuồng đi cắm câu, hái bông điên điển về nấu canh chua cá sặt rồi quây quần bên mâm cơm nóng hổi phụ huynh gởi cho ăn đổi bữa. Nhớ nồi bánh canh gió tốc bụi, lại tưởng tiêu nên múc cho ấm bụng. Bao nhiêu là chuyện để nhớ, để kể. Bây giờ cuộc sống đã khá hơn, lương giáo viên đã ổn định. Cô giáo Thành bao năm chở chữ sang sông, hoàn thành trọng trách người thầy, xa ngôi trường, xa đồng nghiệp. Về nghỉ hưu những ngày đầu buồn rơi nước mắt, hình như viên phấn, tấm lòng và những gương mặt học trò là niềm cảm xúc khôn nguôi.
Hằng năm cứ đến ngày nhà giáo Việt Nam, một bông hồng, một tấm thiệp cũng làm ấm lòng cô giáo miền quê.
THẠCH LIỄU