23/05/2012 - 14:29

Tại sao sống cách biệt với thiên nhiên khiến chúng ta dễ bệnh ?

Ảnh: gardening.savvy-cafe.com

Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với thực trạng không gian xanh ngày càng bị thu hẹp khiến con người mất đi cơ hội tiếp xúc với môi trường tự nhiên, kể cả những vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Theo Tiến sĩ Ilkka Hanski ở Đại học Helsinki (Phần Lan), vi khuẩn có ở mọi nơi, nhưng “vi khuẩn sống trong môi trường tự nhiên có ích cho chúng ta hơn”. Lý do là chúng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và duy trì hệ miễn dịch, giúp chúng ta sống khỏe hơn.

Theo các nhà khoa học, tình trạng thiếu tiếp xúc với thiên nhiên có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính như hen suyễn và dị ứng ở cư dân thành thị. Chẳng hạn, sau khi phân tích mẫu da của 118 thanh thiếu niên ở miền Đông Phần Lan, nhóm nghiên cứu Đại học Helsinki phát hiện da của những người sống ở nông thôn hoặc gần các cánh rừng có nhiều loại vi khuẩn hơn và cũng ít xảy ra tình trạng dị ứng hơn. Không chỉ vậy, nghiên cứu còn giúp các chuyên gia nhận diện thêm một loại của chủng vi khuẩn gammaproteobacteria có “chức năng đặc biệt”. “Nó minh chứng rằng có nhiều chức năng khác nhau giữa các vi khuẩn khác nhau”, Tiến sĩ Hanski nói. Đơn cử, khuẩn Acinetobacter được các nhà khoa học xác định là có liên quan mạnh mẽ đến sự phát triển của các phân tử chống viêm. Cơ bản nếu da chúng ta càng có nhiều loại vi khuẩn đặc biệt này thì khả năng miễn dịch càng cao, giúp ngăn ngừa bệnh dị ứng (với phấn hoa, lông chó, mèo...). Tiến sĩ Hanski cho biết vi khuẩn gammaproteobacteria thường sinh trưởng trong môi trường có nhiều cây cối, như rừng và các khu đất nông nghiệp.

Một nghiên cứu khác gần đây cũng cho thấy sống cách biệt với thiên nhiên làm gia tăng đáng kể tình trạng căng thẳng tinh thần (stress) ở những người sống trong các khu vực đô thị. Nội dung của nghiên cứu đề cập đến nồng độ cortisol, một hoóc-môn được cơ thể tiết ra để phản xạ với stress, tìm thấy trong nước bọt của người tham gia nghiên cứu. Bà Catharine Ward Thompson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu OPENspace (Scotland), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi phát hiện ra mối quan hệ mạnh mẽ giữa nồng độ cortisol và không gian xanh xung quanh nhà của những người tham gia nghiên cứu”. Giáo sư Ward Thompson kết luận nếu bạn sinh sống ở vùng có nhiều cây xanh và cách xa khu vực đô thị hóa, bạn chắc chắn sống khỏe mạnh hơn.

Tổ chức nghiên cứu The Inclusive Design for Getting Outdoors (tạm dịch Thiết kế Hoạt động Ngoài trời) – gồm các nhà khoa học đến từ các trường đại học Edinburg, Heriot-Watt, Salford và Warwick của Anh – gần đây còn phát hiện việc thoải mái tham gia hoạt động ngoài trời có quan hệ trực tiếp tới sức khỏe và chất lượng sống. Nghiên cứu theo dõi sức khỏe của 4.350 người trên 65 tuổi và khả năng vận động ngoài trời của họ. Kết quả cho thấy mỗi ngày chỉ cần đi bộ 10 phút trong công viên là người lớn tuổi có thể đáp ứng gấp đôi mức độ vận động thể chất tối thiểu theo đề xuất của các chuyên gia y tế.

Nhìn chung, các nghiên cứu trên đều đưa ra lời khuyên về việc xem xét mối quan hệ giữa sức khỏe và mức độ tiếp cận với không gian xanh. Mặc dù chúng ta không thể đảo ngược quá trình đô thị hóa, nhưng tiến sĩ Hanski cho rằng vẫn còn có những sự lựa chọn khác. Theo ông, ngoài việc bảo tồn các khu vực tự nhiên ở ngoại thành, các nhà chức trách cần đưa thêm các yếu tố như “không gian xanh, vành đai xanh và cơ sở hạ tầng xanh” vào bản đồ qui hoạch của thành phố.

Tim Gill, một chuyên gia về trẻ em ở Luân Đôn (Anh), cho biết những trẻ sống gần gũi với thiên nhiên thường có sức khỏe và trí tuệ tốt hơn so với những đứa trẻ không có điều kiện đó. Ngoài ra, xét về khía cạnh sinh học thì thiên nhiên có thể là một phần trong cấu trúc cơ thể của chúng ta. Vì vậy các bậc cha mẹ nên cố gắng tạo điều kiện để con mình tương tác với thiên nhiên, giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch và thích nghi tốt hơn với môi trường sống.

Vi Vi (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết