16/12/2022 - 23:52

Tài năng châu Á đối mặt khủng hoảng visa Mỹ 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Hàng ngàn công dân nước ngoài làm việc trong lĩnh vực công nghệ Mỹ đang thấp thỏm trước mối lo bị trục xuất sau động thái sa thải nhân sự trên diện rộng của các doanh nghiệp lớn. Cùng với đó, tờ Nikkei cảnh báo Mỹ có nguy cơ “chảy máu chất xám” khi những quốc gia cạnh tranh khác đơn giản hóa con đường nhập cư cho lực lượng lao động có tay nghề cao.

Tại một số công ty công nghệ Mỹ, người nước ngoài chiếm gần 30% nhân sự.

Phụ trách mảng khoa học dữ liệu tại Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, anh Zhou là một trong số hơn 11.000 nhân viên bị gã khổng lồ công nghệ Mỹ sa thải đầu tháng 11. Với tấm bằng thạc sĩ của một trường kỹ thuật hàng đầu xứ cờ hoa và hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc, nhưng người đàn ông 30 tuổi này vẫn chưa thể tìm được công việc mới. Hiện mối lo lớn nhất của Zhou là thị thực diện H-1B để làm việc tại Mỹ của anh chỉ còn hạn một năm trong khi đơn xin thường trú chưa được chấp thuận.

Câu đố visa Mỹ

Những câu chuyện như trên đang xảy ra với hàng ngàn công dân nước ngoài làm việc ở Mỹ theo visa H-1B khi các ông lớn công nghệ tiến hành giảm lương và thu hẹp nhân công. Theo số liệu từ Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ, những hãng công nghệ lớn như Amazon, Meta, Lyft, Salesforce, Stripe và Twitter đã cùng nhau nộp đơn xin thị thực cho 45.000 người nước ngoài kể từ năm 2019. Phần lớn trong số đó là công dân Trung Quốc, Ấn Ðộ và nhiều nước châu Á khác.

H-1B là thị thực làm việc tạm thời với 70% số người được phê duyệt là lao động có tay nghề cao làm cho các công ty công nghệ. Theo quy định, người sở hữu thị thực này có thể thay đổi công ty nhưng chỉ trong vòng 60 ngày, sau đó họ sẽ phải rời Mỹ nếu không tìm được chủ lao động mới. Trong bối cảnh suy thoái đang rình rập và tình trạng sa thải hàng loạt trong toàn ngành, tìm một công việc mới hiện sẽ khó khăn hơn ngay cả với nhóm lao động trình độ học vấn cao và có kinh nghiệm. Bởi không phải mọi công ty đều sẵn sàng chấp nhận phí bổ sung cho tiến trình nộp đơn xin gia hạn thị thực H-1B của người lao động nước ngoài. Ðược biết, chi phí trung bình của một đơn xin H-1B là hơn 5.000 USD cộng với các khoản phí pháp lý khác nhau. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng với những người lao động bị sa thải đã ở Mỹ trong vài năm và đang xin thẻ xanh.

Cơ hội cho các công ty nhỏ và những nước cạnh tranh

Theo layoffs.fyi, trang web theo dõi tình trạng cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ, tổng cộng 930 công ty công nghệ đã sa thải 146.407 công nhân vào năm 2022. Riêng tháng 11 có hơn 51.000 người. Diễn biến này không hẳn chỉ ảnh hưởng tiêu cực, luật sư Yeon Me Kim cho biết các công ty nhỏ có thể nắm bắt thời cơ “săn” công nhân lành nghề từng làm việc tại Meta hoặc Amazon.

Ngoài ra, áp lực nhanh chóng tìm việc mới có thể thúc đẩy người lao động nước ngoài vượt qua do dự chung để bắt đầu khởi nghiệp trên đất Mỹ. “Rất nhiều người bị sa thải có thể tiếp tục hợp tác với các ông lớn công nghệ nếu họ có công ty riêng. Ðây cũng là xu hướng sau cuộc suy thoái năm 2008-2009” - theo luật sư nhập cư Tahmina Watson.

Chia sẻ quan điểm về sự phức tạp của hệ thống nhập cư Mỹ, Giáo sư luật Stephen Yale-Loehr của Ðại học Cornell cho rằng Washington thực sự đang gặp vấn đề trong việc thu hút nhân tài. Bởi so với Mỹ, nhiều quốc gia như láng giềng Canada vẫn đang ráo riết mang về nguồn nhân lực chất lượng dựa trên chính sách thu hút nhập cư. Và giữa làn sóng sa thải đặc biệt như hiện nay, Giáo sư Loehr cảnh báo những người nhập cư tài năng đang xem xét tất cả lựa chọn và xứ cờ hoa có thể không còn là điểm đến số 1.

Chia sẻ bài viết