06/02/2013 - 16:32

Tái chiến với những căn bệnh “ngủ quên”

Thời gian qua, nhiều căn bệnh xuất hiện cách đây khá lâu và được cho là đã “ngủ đông” nhưng nay bùng phát trở lại với một sức công phá vô cùng lớn, gây thiệt hại về người và của cho nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam và Mỹ. Điển hình là sự trở lại của amíp ăn não người Naegleria fowleri, vi-rút Tây sông Nile và bệnh viêm màng não do nấm.

* Những cuộc “tái xuất” kinh hoàng

Muỗi là tác nhân chính gây nên bệnh sốt vi-rút Tây sông Nile. 

Theo số liệu thống kê gần đây, trong năm 2012, ở Việt Nam đã có 2 ca tử vong do mắc bệnh amíp ăn não người Naegleria fowleri trong khi tại Mỹ, đã có 4.531 trường hợp nhiễm virus gây sốt Tây sông Nile, trong đó có 183 ca tử vong và 490 ca nhiễm bệnh viêm màng não do nấm với 34 ca tử vong. Những con số này đã giống lên hồi chuông cảnh báo rằng ba căn bệnh ấy hết sức nguy hiểm, con người cần có những biện pháp hiệu quả để đẩy lùi chúng.

Trong 3 dịch bệnh đã “ngủ đông” trên, amíp ăn não người hiện đang thuộc vào nhóm bệnh nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 98%. Amíp ăn não là một dạng ký sinh trùng đơn bào, xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi, phá vỡ hàng rào bảo vệ của chất nhầy ở niêm mạc mũi, sau đó đi qua các dây thần kinh vùng khứu giác và tấn công vào hệ thống thần kinh rồi di chuyển lên não, cư trú tại một vùng nhất định trong não, sản sinh một cách nhanh chóng.

Theo Giáo sư Michael Beach, một chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), chuyên nghiên cứu về các chứng bệnh bắt nguồn từ nước, sở dĩ amíp Naegleria fowleri “trỗi dậy” là do người bệnh tắm ở các hồ, suối nước nóng, thậm chí tại các bể bơi không được làm vệ sinh tốt, đặc biệt là khi dùng chân khuấy đảo các chất dưới đáy hồ, bể bơi lên. Nếu chẳng may để nước xộc lên mũi sẽ là cơ hội để amíp Naegleria fowleri xâm nhập vào cơ thể con người. Sau khi đã bám được vào màng nhầy của mũi, amíp Naegleria fowleri tìm cách tiêu diệt các tế bào tại đó rồi tiếp tục xâm nhập lên não. Tại não người, loại amíp Naegleria fowleri hầu như không di chuyển tiếp tục mà tồn tại, ký sinh ở đó và chủ yếu sống bằng nguồn dinh dưỡng nhờ ăn các tế bào não.

Trong khi đó, sốt Tây sông Nile là một căn bệnh cũng mang lại mối lo ngại không nhỏ cho người dân và giới chuyên môn. Sốt Tây sông Nile do muỗi truyền cho người, những con muỗi này bị nhiễm bệnh khi hút phải máu một con chim bị nhiễm vi-rút Tây sông Nile sau đó sẽ truyền bệnh cho người và động vật. Đây được xem là lần “tái xuất” kinh hoàng sau gần 10 năm “ngủ quên” của bệnh sốt Tây sông Nile kể từ năm 2002. Theo Krisztian Magori, nhà nghiên cứu động vật hoang dã thuộc Đại học Auburn (Mỹ), nguyên nhân mà dịch bệnh sốt Tây sông Nile bùng phát mạnh trong năm là do thời tiết vào mùa hè vô cùng oi bức, khiến loài muỗi truyền bệnh sinh sôi nảy nở. “Ở nhiều nơi hầu như không xuất hiện sương giá để có thể tiêu diệt loài muỗi truyền bệnh, cho nên số lượng người bị nhiễm bệnh do muỗi đốt ngày càng tăng” – ông Magori nói. Không những vậy, tình trạng hạn hán cũng góp phần làm dịch bệnh ngày càng tồi tệ hơn. Theo ông, chim là vật chủ chính cho vi-rút phát triển. Khi môi trường sống của chúng trở nên khô hạn, buộc chúng phải di chuyển đến những nơi chật hẹp. Chính vì điều này, muỗi ở những nơi mà chim di chuyển đến có cơ hội tiếp xúc với mầm vi-rút gây bệnh, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

Trong khi đó, việc “thức giấc” của một loại bệnh với tên gọi viêm màng não do nấm tại Mỹ đã gây hoang mang cho người dân nước này. Đây là một bệnh hiếm gặp, bệnh xảy ra khi lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống bị nhiễm độc do nấm (fungus). Bệnh có thể phát triển sau khi nấm từ một nơi nào đó trong cơ thể lây lan theo dòng máu đến hệ thần kinh trung ương. Theo CDC, sở dĩ dịch bệnh này bùng phát trở lại là do bệnh nhân đã sử dụng thuốc stetoid kém chất lượng do Công ty NECC tại Mỹ sản xuất để điều trị chứng đau lưng do thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, viêm màng não do nấm cũng thường phát triển đối với những người có hệ thống miễn dịch yếu.    

* Ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh

chế tấn công của amíp ăn não người Naegleria fowleri. Ảnh: Pakmed.net

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều chuyên gia y tế đã bắt tay vào nghiên cứu cũng như đưa ra những giải pháp để ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch bệnh.

Theo Giáo sư Michael Beach, ở thời điểm hiện tại chưa có một phương pháp hay loại thuốc nào điều trị có hiệu quả cho những người bị nhiễm loại amíp ăn não người. Tuy nhiên, con người vẫn có thể phòng chống chúng bằng cách là chỉ nên tắm, bơi, lặn ở những nơi nước sạch và sử dụng dụng cụ kẹp mũi bảo vệ khi bơi, lặn trong các hồ nước có nguy cơ có mầm bệnh.

Trong khi đó, theo CDC, cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa bị nhiễm bệnh sốt Tây sông Nile đó là tránh bị muỗi đốt bằng cách sử dụng thuốc diệt muỗi, mặc quần áo dài tay, giăng màn khi ngủ, đóng cửa sổ vào lúc sáng sớm và chiều tối vì đây là những thời điểm có nhiều muỗi. Ngoài ra, người dân nên phát quang bụi rậm, san lấp những ao tù nước đọng cũng như thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh nhà, nơi lý tưởng cho muỗi trú ngụ.

Cũng theo CDC, viêm màng não do nấm là một bệnh dễ lây lan. Do đó, để phòng tránh bệnh, CDC khuyến cáo nên tiêm vắc-xin phòng bệnh cho thanh thiếu niên từ 11-18 tuổi, vệ sinh cá nhân cũng như không chia sẻ đồ dùng cá nhân của người khác như kính, nước uống, khăn tắm, son môi, đồng thời rửa tay thường xuyên với xà phòng. CDC cũng khuyến cáo nên tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách có chế độ ăn uống cân bằng kèm theo nhiều loại trái cây, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, nên tránh thuốc lá, ma túy và rượu.

Hiện các chuyên gia thuộc Trung tâm Khoa học Sức khỏe, Đại học Oklahoma (Mỹ) đang phát triển một loại vắc-xin có thể bảo vệ con người chống lại bệnh sốt Tây sông Nile. Một số thử nghiệm ban đầu cho thấy kết quả rất khả quan. “Chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể bào chế ra loại vắc-xin này, trong phòng thí nghiệm nó thực sự có thể bảo vệ con người chống lại bệnh sốt Tây sông Nile” – Tiến sĩ James Papin chia sẻ. Dự kiến, trong thời gian không xa, loại vắc-xin này sẽ có mặt trên thị trường.

Ngoài ra, để giúp người dân tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm màng não do nấm, các bác sĩ thuộc Cơ quan Quản lý thuốc châu Âu vừa phát triển một loại vắc-xin với tên gọi Bexsero, giúp bảo vệ cơ thể chống lại hầu hết dòng viêm màng não chết người, trong đó có bệnh viêm màng não B đã được cấp phép sử dụng ở Anh và có thể trong khoảng thời gian cuối năm tới, loại vắc-xin này sẽ được phổ biến rộng rãi trên thế giới. “Việc phổ biến loại vắc-xin này sẽ là một bước tiến lớn trong hy vọng kiểm soát bệnh viêm màng não” – Giáo sư Andrew Pollard, Đại học Oxford, phấn khởi nói.

Những phát triển mới này sẽ mang thêm niềm hy vọng cho người dân rằng trong tương lai những dịch bệnh chết người sẽ được đẩy lùi và người dân sẽ không còn sống trong nỗi hoang mang lo sợ.

      TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết