26/12/2017 - 10:59

Vụ án kế toán trưởng tham ô hơn 8,3 tỉ đồng

Suy ngẫm về trách nhiệm người đứng đầu 

Đứng trước vành móng ngựa, Vũ Thị Hồng Yến (SN 1984, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài vụ Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Cần Thơ) luôn cúi gằm mặt. Suốt phiên tòa, dù hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ, HĐXX sơ thẩm TAND TP Cần Thơ cũng đã tuyên Yến 20 năm tù về tội tham ô tài sản, nhưng các luật sư và nhiều người dự khán còn rất băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra sự việc như vậy.

Quản lý yếu kém

Vũ Thị Hồng Yến được tuyển dụng vào Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Cần Thơ vào tháng 11-2009, với nhiệm vụ kế toán viên. Mới “chập chững” vào trường chưa đầy năm Yến đã lợi dụng sự sơ hở của hiệu trưởng để lập ủy nhiệm chi khống; nâng khống tiền thu nhập tăng thêm, tiền phụ cấp ưu đãi nhà giáo và tiền lương với số tiền ngày càng tăng. Tuy nhiên, Hiệu trưởng cũng như Ban Giám hiệu nhà trường không mảy may phát hiện mà còn “tạo điều kiện” cho Yến “vững bước đi lên”. Mới hơn 1 năm sau khi được tuyển dụng, Yến được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Phòng Tổ chức hành chính quản trị và sau đó 3 năm, Yến tiếp tục được bổ nhiệm kế toán trưởng và giữ chức vụ Trưởng phòng. Yến còn được nhà trường tạo điều kiện cho đi học thạc sĩ và tiến sĩ.

Bà Nguyễn Minh Thơ trình bày tại phiên tòa.

Trong phiên tòa xét xử Yến diễn ra vào ngày 21-12 mới đây, Chủ tọa phiên tòa nhắc đi nhắc lại câu hỏi cho 2 nguyên hiệu trưởng và hiệu trưởng đương nhiệm của nhà trường (từ năm 2010-2016): Trường có những khoản chi không được phép chi và chi vượt hạn mức để lấy tiền bù vào các khoản chi không được phép không? Các nguyên hiệu trưởng và hiệu trưởng đương thời bà Nguyễn Minh Thơ đều cho rằng không có trường hợp này, không có chủ trương. Riêng đối với bà Thơ, HĐXX cũng như luật sư đều “truy” bà về vai trò người đứng đầu trong việc quản lý trình tự, thủ tục cho tạm ứng, việc ký các chứng từ thu- chi, nhưng bà Thơ cho rằng mình đã làm đúng quy định.

Khi được đặt vấn đề số tiền duyệt chi hằng tháng đều tăng, có khi vài trăm triệu đồng nhưng tại sao hiệu trưởng lại không phát hiện, bà Thơ cho rằng bà nhận nhiệm vụ từ giữa năm 2014, do còn mới, chưa nắm rõ các quy trình thu- chi của trường và chưa có kinh nghiệm về quản lý tài chính, thêm vào đó, Yến chiếm đoạt tăng từ từ hằng tháng nên không phát hiện được. Những lý lẽ bà Thơ đưa ra càng làm cho chủ tọa phiên tòa và người dự khán thấy rõ năng lực quản lý yếu kém của hiệu trưởng nhà trường. Chủ tọa phiên tòa phải thốt lên “Quản lý tài chính của trường không theo một tôn ti trật tự nào!”.

Không xử lý kịp thời?

Tháng 1-2016, bà Thơ nghi ngờ và phát hiện Yến chiếm đoạt hơn 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi phát hiện vụ việc, bà Thơ không trình báo ngay với cơ quan chức năng mà làm việc với Yến. Đồng thời, yêu cầu bà Phạm Việt Ngoan, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chứng kiến việc cho Yến ký cam kết hoàn trả lại số tiền và thông báo cho cha, mẹ Yến biết. Bà Thơ vẫn để Yến tiếp tục làm kế toán trưởng. Điều đáng nói ở đây, khoảng thời gian từ lúc Yến bị bà Thơ phát hiện đến khi bị cơ quan điều tra mời làm việc, với vai trò là kế toán trưởng, “ngựa quen đường cũ” Yến vẫn tiếp tục chiếm đoạt tiền với số lượng ngày càng tăng.

Ngay cả khi nói chuyện với mẹ, Yến cũng không dám ngẩng đầu lên.

Lý giải về vấn đề này, bà Thơ biện bạch cho Yến thời gian để khắc phục hậu quả, nghĩ Yến sẽ không dám tiếp tục sai phạm và gia đình của bà xảy ra nhiều chuyện bối rối nên chưa xử lý. Tại phiên tòa, bà Phạm Việt Ngoan cho biết, đã có trao đổi với bà Thơ không nên để Yến tiếp tục công việc kế toán trưởng nữa, nhưng  bà Thơ nói Yến đã thừa nhận và cam kết hoàn trả tiền thì cho thời gian khắc phục rồi sau đó sẽ đưa ra tập thể xử lý. Chính vì không muốn làm “to chuyện”, để giải quyết “nội bộ” nên Yến càng sa lầy, số tiền phạm tội tăng lên nhiều lần.  

Chủ tọa phiên tòa phân tích: Hằng năm, trường đều tổ chức Hội nghị công chức viên chức và trường có Ban Thanh tra nhân dân nhưng lại không phát hiện được vụ việc. Ban Thanh tra nhân dân không có nghiệp vụ thì Hiệu trưởng phải hướng dẫn để Ban Thanh tra nhân dân thanh tra, kiểm tra tài khoản tự chủ, không tự chủ của trường. Hiệu trưởng không kiểm tra chặt chẽ, Ban Thanh tra nhân dân cũng không thực hiện công tác thanh, kiểm tra, hoạt động của tổ chức Đảng và các đoàn thể nhà trường yếu kém nên mới xảy ra vụ việc. Chủ tọa phiên tòa đề nghị, sau vụ việc này, cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và đoàn thể tại Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Cần Thơ. 

Trước những yếu kém trong quản lý do HĐXX chỉ ra, bà Thơ cho rằng: “Trước đây, tôi chỉ làm chuyên môn, chưa có kinh nghiệm về quản lý tài chính. Sau khi vụ án xảy ra, tôi đã cẩn thận hơn, nghiên cứu về quản lý tài chính. Hiện tôi đã chỉ đạo kiểm tra nội bộ, đưa vào nề nếp”.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng thường xuyên được lãnh đạo thành phố cũng như các ngành, các cấp quan tâm, nhắc nhở. Nhà nước có hẳn Nghị định quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu và TP Cần Thơ cũng đã ban hành Quy định số 03-QĐ/TU của Thành ủy Cần Thơ ngày 6-6-2016 về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Với vụ án xảy ra tại Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Cần Thơ, theo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, những người đứng đầu là hiệu trưởng qua các thời kỳ có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra đã tách ra để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý. Viện Kiểm sát cũng kiến nghị Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Cần Thơ và các đơn vị có liên quan có biện pháp chấn chỉnh để phòng ngừa vi phạm.

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết