12/11/2022 - 08:43

Suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Suy dinh dưỡng không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà nhiều người già cũng mắc phải. Nguyên nhân do tuổi cao, sức đề kháng suy giảm, mắc đồng thời nhiều bệnh mạn tính, thường xuyên uống thuốc, khiến người già ngủ không yên, ăn không ngon. Nguồn dinh dưỡng cung cấp không đảm bảo nhu cầu cơ thể càng khiến người già suy yếu, thành vòng lẩn quẩn, không đủ sức vượt qua bệnh tật. 

Người cao tuổi suy dinh dưỡng cần được quan tâm, chăm sóc để bảo đảm sức khỏe.

Theo thống kê của ngành Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng, tuy nhiên, chất lượng sức khỏe có nhiều vấn đề đáng lo. Các nghiên cứu cho thấy, phần lớn người trên 60 tuổi đều mắc đồng thời từ 2 bệnh mạn tính trở lên. Các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, đột quỵ luôn chực chờ tấn công sức khỏe, tính mạng người cao tuổi. Ngoài ra, người già cũng đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe khác như mất khả năng nhận thức, rối loạn tâm thần, suy giảm trí nhớ hoặc giảm chức năng các giác quan, dễ chấn thương do té ngã, dễ bị bệnh về đường hô hấp, suy dinh dưỡng,… Tất cả đều do sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể cùng với một chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe chưa hợp lý, đúng cách gây nên.

Các chuyên gia y tế cho biết tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể sẽ bị lão hóa, suy yếu dần. Trong đó, hệ thống tiêu hóa với ruột non, ruột già, dạ dày và các bộ phận răng miệng, vị giác, khứu giác cũng suy giảm chức năng, khiến người già ăn uống kém. Dạ dày không còn co bóp tốt, khả năng tiết dịch vị giảm khiến người già thường bị đầy hơi, khó tiêu. Các cụ thường mắc bệnh mạn tính thường xuyên uống nhiều thuốc, cũng ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, kém hấp thu và thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu. Gan và thận không chuyển hóa được các thực phẩm và không sàng lọc được chất độc hại. Bản thân nhiều người cao tuổi cho rằng, già rồi không làm gì nhiều, không cần thiết ăn nhiều, nên chỉ ăn qua loa, qua ngày. Cuộc sống riêng tư bận rộn và sự tách biệt giữa các thế hệ, con cháu ít dành thời gian quan tâm người cao tuổi, khiến các cụ cô đơn, buồn chán, cũng dẫn đến chán ăn. Bệnh lãng quên tuổi già ngày càng nặng, đôi khi quên cả việc ăn uống. Ngày qua ngày, chế độ ăn không điều độ, hợp lý, thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng dần sức khỏe người cao tuổi.

Khi cao tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể sẽ có nhiều sự khác biệt với nhu cầu dinh dưỡng ở người trẻ hơn. Do đó, người cao tuổi cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với nhu cầu cơ thể. Nhu cầu năng lượng ở người cao tuổi giảm đi so với người trẻ, nên chế độ ăn cần điều chỉnh giảm bớt lượng thức ăn hàng ngày với ít chất bột đường, chất béo. Do cơ thể người cao tuổi giảm khả năng tổng hợp đạm, cần quan tâm đến nguồn cung cấp chất đạm cho cơ thể. Theo khuyến cáo, người cao tuổi nên duy trì 25-30% tỷ lệ đạm từ nguồn động vật và 70-75% đạm từ thực vật.

Người già khó tự mình nhận biết tình trạng suy dinh dưỡng của bản thân do quá trình diễn ra lâu dài. Tuy nhiên, người thân quan tâm, chăm sóc các cụ có thể nhận biết khi các cụ kém dần sự minh mẫn, mau quên, mệt mỏi, chán ăn hoặc ăn không ngon miệng. Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm, các bệnh đang có sẽ trở nên trầm trọng hơn, di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ gặp tai nạn. Người bị suy dinh dưỡng thường đờ đẫn, lơ là với mọi người và sự việc xảy ra ở xung quanh hoặc đôi khi gắt gỏng, khó tính.

Suy dinh dưỡng làm suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người cao tuổi. Ðể cải thiện sức khỏe người cao tuổi và phòng ngừa suy dinh dưỡng, con cháu, người thân trong gia đình cần quan tâm xây dựng thực đơn lành mạnh cho người cao tuổi. Thực đơn cần giàu đạm thực vật, chất xơ, vitamin và khoáng chất, sử dụng các chất béo lành mạnh. Bữa ăn của các cụ cần tăng cường nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế ăn đồ ngọt, chất đường bột để kiểm soát đường huyết tốt hơn, phòng ngừa nguy cơ mắc đái tháo đường. Bổ sung thực phẩm đa dạng, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể gồm: đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh ăn uống, người cao tuổi cần có rèn luyện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Vận động thường xuyên giúp các cụ lưu thông khí huyết, tăng cường máu lên não, cơ thể hoạt động trơn tru, từ đó ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn. Lưu ý, người cao tuổi lựa chọn hình thức vận động vừa sức, như đi bộ, dưỡng sinh, khiêu vũ,... Ngoài ra, yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng. Lời khuyên của các chuyên gia là không bỏ bữa ăn và vui vẻ trong cuộc sống, sẽ giúp người già ăn ngon miệng, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, sống vui, sống khỏe cùng con cháu.

Chia sẻ bài viết