Hết sức bất ngờ là phản ứng của giới chức Đài Loan khi Chính phủ Gambia hôm 15-11 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với vùng lãnh thổ mà Trung Quốc khẳng định là một bộ phận của mình và khi cần thiết có thể dùng vũ lực để thống nhất. Như vậy chỉ trong tuần qua, Đài Loan đón nhận tới hai hung tin từ lục địa đen, ít nhiều làm giảm vị thế của họ trên trường quốc tế. Ba ngày trước đó, Sao Tome & Principe thông báo Trung Quốc sẽ mở văn phòng thương mại ở đây sau 16 năm bang giao gián đoạn do quốc gia này thừa nhận Đài Loan độc lập.
Với quyết định của Gambia, hiện chỉ còn 22 quốc gia, chủ yếu là những nước nhỏ và nghèo khó ở Mỹ La-tinh, Caribe và Nam Thái Bình Dương công nhận chủ quyền của Đài Loan. Thông cáo của Tổng thống Gambia Yahya Jammeh không nói rõ lý do đưa ra quyết định trên, chỉ khẳng định nó phục vụ "lợi ích chiến lược quốc gia". Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh không liên quan tới vụ này và từ chối cho biết có định thiết lập quan hệ chính thức với Gambia hay không.
Trong những năm qua, cả Trung Quốc và Đài Loan đều ra sức dùng tiền bạc và các lợi ích vật chất khác để lôi kéo những nước nói trên về phía mình, dù giữa hai bên có thỏa thuận không gây áp lực lên đồng minh của nhau. Trong cuộc đua tranh này, Đài Bắc chịu nhiều tổn thất. Chẳng hạn như Costa Rica hồi năm 2007 đã bỏ Đài Loan quay sang thừa nhận Trung Quốc, một năm sau đó tới lượt Malawi. Theo một điện tín ngoại giao được WikiLeaks tiết lộ hồi năm 2011, Panama cũng có ý định tương tự nhưng Bắc Kinh ngăn lại vì không muốn tác động tiêu cực tới quan hệ đang được cải thiện giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Đài Loan đã liên tục viện trợ cho Gambia trong 18 năm bang giao (dự kiến 13,5 triệu USD cho năm tới) nhưng con số đó chẳng thấm vào đâu so với hàng tỉ USD Trung Quốc đang đổ vào các quốc gia châu Phi. Ví dụ như ở Sao Tome & Principe, có nguồn tin cho rằng Trung Quốc dự định hợp tác xây dựng một cảng nước sâu trị giá 400 triệu USD. Giới chức Đài Loan tự trấn an rằng Sao Tome & Principe ít có khả năng hành động như Gambia, nhưng cho biết sẽ lập tức "xem xét lại các chương trình viện trợ để có những điều chỉnh cần thiết".
LÊ DÂN