10/09/2009 - 20:28

Thị trường điện thoại di động

"Sức hút" từ dòng máy giá rẻ

Trước đây, thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) phổ biến nhất là các dòng máy 1 sim thì nay, các mẫu máy cấp thấp 2 sim (có giá bán dưới 1 triệu đồng/cái) được bày bán khá phong phú, đa dạng chủng loại. Ngoài các sản phẩm của các thương hiệu có tiếng (Nokia, Samsung, Motorola, LG...) thị trường ĐTDĐ giá rẻ còn có sự xuất hiện hàng loạt nhãn hàng mới lạ có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan..., nhất là sự lên ngôi của những dòng máy ĐTDĐ 2 sim online công nghệ GSM (có khả năng sử dụng cùng lúc hai sim)...

MÁY CHÍNH HÃNG GIÁ RẺ HÚT HÀNG

Giới kinh doanh ĐTDĐ ở TP Cần Thơ cho biết, mặc dù kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của người dân có giảm sút so với những năm trước, nhưng nhìn chung sức tiêu thụ các loại ĐTDĐ hiện vẫn tăng. Nguyên nhân là do ĐTDĐ đã chuyển thành vật dụng bất ly thân cho cả giới trẻ, công chức, đến lao động phổ thông. Hiện nay, trào lưu chạy đua theo mốt sắm máy ĐTDĐ đắt tiền của người tiêu dùng không còn thịnh hành như vài năm trước.

Hiện nay, việc sắm 1 cái ĐTDĐ không phải là nhu cầu xa xỉ mà nó đã trở thành vật dụng thiết yếu của mỗi người. Tuy nhiên, những khó khăn hàng ngày do ảnh hưởng của nền kinh tế đã hướng người dùng sang những sản phẩm bình dân nhiều hơn so với những dòng sản phẩm cao cấp. Trước đây, ai có máy điện thoại có chức năng chụp hình, quay phim là sành điệu, nhưng sử dụng một thời gian mới thấy giá trị sử dụng không được bao nhiêu mà phải bỏ thêm một khoản tiền cho những chức năng này. Nhiều người tiêu dùng cho biết, muốn chụp hình hoặc quay phim thì mua hẳn một máy ảnh kỹ thuật số vừa rẻ tiền mà chụp hình lại đẹp và chuyên nghiệp hơn... Do vậy, cái cốt lõi của chiếc điện thoại chỉ cần nghe, gọi, nhắn tin cho tốt và kèm theo một số tính năng giải trí khác là được.

Một vài năm trước, tính năng giải trí cao cấp chỉ có trong những mẫu điện thoại có giá bán hàng chục triệu đồng thì đến nay đã xuất hiện trong các sản phẩm chỉ 1-1,5 triệu đồng/cái. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã giúp cho các sản phẩm xuất hiện sau tích hợp nhiều tiện ích mới, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng theo thị hiếu người tiêu dùng, giá bán cũng rẻ hơn các sản phẩm cùng tính năng trước đó. Ngoài ra, cuộc đua về số lượng thuê bao di động giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã tác động đến giá cước liên tục giảm kèm theo các đợt khuyến mãi nhân đôi, nhân ba tài khoản... Do đó, không ít người dùng đã sắm thêm một cái ĐTDĐ rẻ tiền để gọi, nhắn tin nhằm tận dụng các chiêu thức khuyến mãi hấp dẫn này...

 Điện thoại di động giá rẻ đang thu hút giới tiêu dùng bình dân. Ảnh chụp tại Siêu thị ĐTDĐ 97 (đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Khảo sát tại các cửa hàng, siêu thị ĐTDĐ ở TP Cần Thơ, ĐTDĐ giá rẻ dưới 1 triệu đồng/cái có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều thương hiệu sản phẩm có tiếng trên thị trường như: Nokia (1200, 1202, 5030, 1650, 1680, 2626, 1208, 1209, 1661...), Motorola (W396, W388, W270, W230...), Samsung (C170, E1310s, E1110...)... Bên cạnh đó, các hãng ĐTDĐ có nguồn gốc từ Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc... cũng đang thâm nhập thị trường ĐTDĐ giá rẻ bằng hàng loạt nhãn hàng như: Mobell, Q-Mobile, I-Mobile, eTouch, Wellcom, Cayon, K-Touch, Bavapen, Suntek... Cuộc “chạy đua” chiếm lĩnh phân khúc thị trường ĐTDĐ giá rẻ đang tạo ra nhiều cơ hội sử dụng ĐTDĐ của giới tiêu dùng bình dân với nhiều tiện ích giá trị gia tăng khác.

Trước đây, các hãng sản xuất điện thoại không mặn mà lắm với dòng điện thoại giá rẻ vì cho rằng nó không thu hút được người tiêu dùng. Nhưng hiện nay, dự báo trước được nhu cầu gia tăng của dòng máy cấp thấp và xu hướng của nhà cung cấp dịch vụ mạng di động, các hãng sản xuất và phân phối ĐTDĐ đã tranh thủ cơ hội này để khai thác tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, mô hình kết hợp giữa nhà sản xuất ĐTDĐ và các nhà cung cấp dịch vụ di động còn tung ra thị trường nhiều mẫu máy giá rất rẻ để nhắm đến đối tượng người tiêu dùng bình dân như: eCo (S-Fone), Alo (Vinaphone), MoMo 1000 (MobiFone), SumoSim (Viettel)...

Ông Ôn Văn Cọp, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viễn thông Miền Tây (Western Telecom) tại Cần Thơ, nói: “Hiện nay, Western Telecom đang là nhà phân phối lớn bộ trọn gói Alo gồm 4 dòng máy (136, 2200, 156, 202) của Vinaphone tại các tỉnh, thành khu vực miền Tây với lượng hàng bán ra khá cao (trung bình đạt khoảng 15.000 máy/tháng). Với giá bán chỉ dao động 489.000-539.000 đồng/máy kèm theo sim số có tài khoản 560.000-620.000 đồng đang tạo ra sự chú ý của người tiêu dùng bình dân do chi phí duy trì dịch vụ mạng và tài khoản được tặng hằng tháng”.

Ông Tạ Vĩnh Sơn, Phụ trách Siêu thị ĐTDĐ Viettel tại Cần Thơ cho biết, thị trường ĐTDĐ giá rẻ trở nên sôi động hơn khi mùa tựu trường tại các trường học trên địa bàn TP Cần Thơ thu hút đông lượng học sinh, sinh viên đổ về đây. Chỉ tính riêng bộ trọn gói SumoSim, lượng máy bán ra trung bình khoảng 30-40 cái/ngày. Hiện tại, mỗi bộ trọn gói SumoSim giá chỉ 350.000 đồng và 400.000 đồng, khách hàng được hưởng nhiều tiện ích như tặng tiền vào tài khoản trong 18 tháng, cước gọi thấp...

THỊNH HÀNH MÁY 2 SIM, 2 SÓNG

Trên thị trường, những mẫu ĐTDĐ công nghệ GSM hỗ trợ 2 sim, 2 sóng tích hợp song song trên cùng 1 máy đang trở thành xu hướng tiêu dùng mới của nhóm khách hàng trẻ và dần thay thế cho các dòng máy 2 sim 1 sóng trước đây. Hầu hết các mẫu máy này đã có mặt khá nhiều tại các siêu thị ĐTDĐ với thời gian bảo hành lâu và được hưởng chế độ bảo hành, hậu mãi chu đáo, nên đã tạo ra sự an tâm của người sử dụng.

Với sự xuất hiện hàng loạt sản phẩm có mẫu mã bắt mắt, kèm theo nhiều tính năng giải trí không thua kém những mẫu máy đắt tiền (nghe nhạc, xem phim, chụp hình, kết nối không dây...) đang tạo ra nhiều cơ hội mua sắm cho người tiêu dùng, nhất là giới trẻ với mức giá rất “mềm” như hiện nay. Điểm nổi bật của loại máy Dual sim là khả năng nhận và thực hiện cuộc gọi, nhắn tin cùng lúc từ cả 2 sim trong máy. Các dòng máy này chủ yếu gồm 3 loại màn hình cảm ứng không có phím số, điện thoại dạng thanh bình thường và dòng điện thoại có 2 khe cắm sim nhưng tại cùng thời điểm chỉ sử dụng được một. Xét về tính năng, ngoại trừ không kết nối không dây bluetooth, hồng ngoại, các mẫu máy hai sim đều hầu như thỏa mãn được mọi nhu cầu giải trí của người dùng.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng 2 máy điện thoại gần như phổ biến, nhất là ở giới tiêu dùng trẻ, giới kinh doanh và nhân viên văn phòng để mua sim khuyến mãi. Tuy nhiên, việc đem theo 2 máy cùng lúc cũng có nhiều bất tiện. Nắm bắt được xu hướng này, các nhà sản xuất và phân phối đã tung ra thị trường nhiều mẫu ĐTDĐ có thể chạy cùng lúc 2 sim, 2 sóng và nhiều tiện ích gia tăng khác như: quay phim, chụp hình với độ phân giải cao, chức năng ghi âm, webcam, kết nối không dây, xem phim, nghe nhạc dưới nhiều định dạng khác nhau.

Những mẫu máy có các tiện ích đa chức năng nêu trên phải kể đến hàng loạt thương hiệu Anycool, Mobell, Q-Mobile, Bavapen, eTouch, Wellcom, Suntek, Malata, V-Mobile, Gemei, G-Tide, Xstar, Untone, HQ, Asiatel, iTalk, MobiTech, MP4, MPEG, PDA, Any Call... Những loại máy này chủ yếu được nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan... Mặc dù mới thâm nhập thị trường, nhưng các thương hiệu này nhanh chóng chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng bởi có nhiều lợi thế về giá bán, kiểu dáng, các tiện ích giải trí cao cấp... Tại các siêu thị kinh doanh ĐTDĐ, giá bán của các sản phẩm này chỉ dao động từ 800.000-1.400.000 đồng/cái.

Bài, ảnh: VĂN TUẤN

Chia sẻ bài viết