18/01/2012 - 15:10

Diễn biến mới trên chính trường Pakistan

Sức ép dồn vào Thủ tướng Gilani

Thủ tướng Gilani (đứng bên trái) trình bày trước Quốc hội Pakistan ngày 16-1. Ảnh: AFP

Tòa án Tối cao Pakistan ngày 16-1 đã cảnh cáo Thủ tướng Yousuf Raza Gilani về tội coi thường tòa do ông không tuân lệnh của tòa tiến hành cuộc điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari, đồng thời yêu cầu ông phải có mặt trước tòa vào ngày 19-1 tới. Động thái này của Tòa án Tối cao Pakistan diễn ra trong bối cảnh chính phủ Pakistan đang chịu áp lực lớn khi đối đầu với quân đội xung quanh “bức mật thư” có liên quan tới Tổng thống Zardari.

Hãng tin Pháp AFP hôm qua cho biết Thủ tướng Gilani đã tuyên bố chấp nhận lệnh triệu tập của Tòa án Tối cao Pakistan. Tuy nhiên, ông nói rằng cơ quan pháp lý và quân đội Pakistan cần tôn trọng vai trò của quốc hội và các thể chế dân chủ của đất nước.

Hiện nay, Tòa án Tối cao Pakistan vẫn bảo lưu quyết định yêu cầu Thủ tướng Gilani mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Zardari từ những năm 1990, sau khi sắc lệnh ân xá mà cựu Tổng thống Pervez Musharraf ký năm 2007 bị các thẩm phán tuyên bố bãi bỏ hồi năm 2009. Nhưng ông Gilani và đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền cho rằng nguyên thủ quốc gia là người được hưởng quyền miễn truy tố theo luật định. Cơ quan tố tụng Thụy Sĩ, nơi mà chính phủ Pakistan có thể yêu cầu giúp đỡ điều tra nghi án tham nhũng của ông Zardari, cũng cho rằng họ không thể làm việc này vì tổng thống đương nhiệm Pakistan được miễn khởi tố.

Theo các chuyên gia luật, nếu Thủ tướng Gilani bị Tòa án Tối cao Pakistan quy kết tội cố tình bao che cho Tổng thống Zardari thì ông là người phải chịu trách nhiệm từ chức thay và thậm chí ở tù. Ngược lại, ông Zardari sẽ ra đi như trường hợp của cựu Tổng thống Farooq Leghari trước cựu Thủ tướng Nawaz Sharif năm 1997. Và tình huống tồi tệ hơn là cả ông Gilani và Zardari đồng loạt từ chức, quốc hội bị giải tán và nước này phải tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Thủ tướng Gilani đã tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu Quốc hội Pakistan yêu cầu, nhưng các nhà lập pháp nước này ngày 16-1 đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông.

Theo các nhà phân tích, Tòa án Tối cao Pakistan dường như đang đứng hẳn về phía quân đội và giới tình báo, nơi đã yêu cầu họ phải làm rõ vụ “bức mật thư” của Tổng thống Zardari trong việc kêu gọi Lầu Năm Góc giúp ngăn chặn một âm mưu đảo chính ở nước này. Sự vụ đã ngày càng căng thẳng trước sự phản đối quyết liệt của Thủ tướng Gilani, khiến dư luận có cảm giác rằng giới quân đội và tình báo muốn lật đổ cả người đứng đầu chính phủ.

Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin Mỹ CNN, có 5 lý do để tin rằng giới quân đội sẽ không lên nắm quyền ở Pakistan trong thời điểm này.

Thứ nhất, dư luận Pakistan đã không còn tin tưởng vào chế độ quân sự có khả năng giải quyết các vấn đề chính trị của đất nước. Những tướng lĩnh như Ayub Khan, Zia Ul Haq, Pervez Musharraf đã bộc lộ vai trò lãnh đạo thiếu hiệu quả và tham nhũng.

Thứ hai, giới an ninh Pakistan bị dư luận chỉ trích là bóp nghẹt quyền tự do báo chí khi tổ chức Phóng viên không biên giới xếp nước này vào diện “một trong những nơi nguy hiểm nhất hành tinh cho cánh nhà báo”.

Thứ ba, quân đội Pakistan từ lâu đã và đang quản lý cơ quan pháp lý hùng mạnh của đất nước để hậu thuẫn và phục vụ lợi ích của mình. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Pakistan vẫn có thể chống lại sự lạm quyền của quân đội như đã từng xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Musharraf.

Thứ tư, các đồng minh quan trọng bên ngoài có tầm ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự đối với Pakistan như Mỹ và Arabie Séoudite không ủng hộ giới quân sự Pakistan lên nắm quyền có thể gây bất ổn an ninh khu vực và đe dọa tiến trình hòa bình mong manh tại Afghanistan.

Và thứ năm, quân đội Pakistan hiện nay có nhiều giải pháp tốt hơn là đảo chính. Họ chỉ muốn Tổng thống Zardari bị cô lập và mất quyền lực nếu bị kết tội tham nhũng và dính líu đến vụ “bức mật thư”. Họ cũng có thể kiên nhẫn chờ cuộc tổng tuyển cử vào năm 2013.

KIẾN HÒA (Tổng hợp) 

Chia sẻ bài viết