02/02/2023 - 15:32

Sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với thực tế cuộc sống 

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDÐ); thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai... Ðó là những vấn đề được dư luận quan tâm.

Người dân công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Thanh Đình.

Ðiều 98, Luật Ðất đai hiện hành quy định: trường hợp quyền sử dụng đất (QSDÐ) hoặc QSDÐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào GCNQSDÐ, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên 1 người. Trường hợp QSDÐ hoặc QSDÐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà GCNQSDÐ đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang GCNQSDÐ để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu. Ông Nguyễn Thanh Tùng, ngụ phường An Khánh, chia sẻ: “Với quy định trên, dễ xảy ra tình trạng có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhưng lại tự ý chuyển nhượng cho người khác mà không có sự đồng ý của những người chung quyền sử dụng đất còn lại, gây ra nhiều vụ tranh chấp đất đai”.

Khắc phục tình trạng này, Ðiều 143, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định: trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp 1 GCNQSDÐ ghi đầy đủ tên thành viên trên GCNQSDÐ và trao cho người đại diện. Ðối với trường hợp GCNQSDÐ đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu các thành viên có chung QSDÐ của hộ gia đình có nhu cầu thì được cấp đổi GCNQSDÐ và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung QSDÐ. Trường hợp các thành viên có chung QSDÐ của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp 1 GCNQSDÐ ghi tên đại diện hộ gia đình trên GCNQSDÐ và trao cho người đại diện hộ gia đình. Việc xác định các thành viên có chung QSDÐ của hộ gia đình để ghi tên trên GCNQSDÐ do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định này khi đi vào thực tế sẽ hạn chế rất nhiều việc tranh chấp đất đai giữa các thành viên hộ gia đình.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, Ðiều 203, Luật Ðất đai hiện hành quy định tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: tranh chấp đất đai mà đương sự có GCNQSDÐ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Ðiều 100 của Luật Ðất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án nhân dân giải quyết; tranh chấp đất đai mà đương sự không có GCNQSDÐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Ðiều 100 của Luật Ðất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định hoặc khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Tại Ðiều 225, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định: tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại.

Chia sẻ bài viết