Bất chấp sự phản đối của Nga, NATO đã không ngừng mở rộng. Từ khi được thành lập năm 1949 với 12 nước thành viên, khối quân sự này đã trải qua 8 vòng kết nạp thêm với 18 quốc gia mới, mà lần gần nhất là đối với CH Bắc Macedonia hồi tháng 3-2020. Đến năm 2021, NATO chính thức tiếp nhận đơn gia nhập của 3 nước Bosnia và Herzegovia, Gruzia và Ukraine.
Bản đồ châu Âu và Trung Đông.
Cuối năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa quân tới biên giới Ukraine và công bố hàng loạt yêu sách đối với Mỹ, trong đó yêu cầu không tiếp tục mở rộng NATO về phía Đông, nhất là Ukraine. Với dân số 43,6 triệu người, Ukraine là quốc gia đông dân thứ 8 tại châu Âu. Đặc biệt, Ukraine có diện tích lãnh thổ lớn 2 tại châu Âu, chỉ sau Nga. Hiện nước này đã mất kiểm soát 7% lãnh thổ nằm ở bán đảo Crimea (phía Nam) cùng 2 thành phố Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass ở phía Đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các yêu sách của Nga là “không thể chấp nhận” và cuộc chiến tại Ukraine đã bắt đầu từ ngày 24-2. Mỹ và phương Tây phản đối mạnh mẽ cuộc chiến này và áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga. Tuy nhiên, một số dư luận phương Tây, trong đó có báo The Guardian của Anh và The Conversation của Úc, đã đăng bài viết nói về kết quả tất yếu dẫn đến cuộc chiến sau những cảnh báo bị phớt lờ từ hàng thập niên trước.
Ông William J. Burns, người hiện là Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), từng đưa ra cảnh báo hồi năm 1995 rằng sự mở rộng của NATO sẽ có tác động khiêu khích và gây ra sự thù địch chính trị tại Nga. Ông Burns khi đó là một tùy viên chính trị thuộc đại sứ quán Mỹ tại Mát-xcơ-va. Không chỉ ông Burns, khoảng 50 chuyên gia ngoại giao nổi tiếng của Mỹ năm 1997 cũng viết đơn thỉnh nguyện lên Tổng thống Bill Clinton, nói rằng các nỗ lực mở rộng NATO là chính sách sai lầm có thể dẫn tới xáo trộn sự ổn định của châu Âu. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Clinton vẫn kết nạp Ba Lan, Hungary và CH Czech, 3 nước từng nằm trong khối Hiệp ước Warsaw, vào NATO năm 1999. Ông Burns sau đó viết rằng quyết định này là sự “khiêu khích tồi tệ không cần thiết” và cảnh báo hành động “đâm sau lưng” đó sẽ tác động đến quan hệ lâu dài với Nga.
Không dừng lại đó, vào năm 2004, chính quyền Tổng thống George W Bush đã kết nạp thêm 7 nước Trung và Đông Âu gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia. Từ đây, Gruzia và Ukraine cũng hồ hởi muốn gia nhập NATO. Trong cuốn hồi ký của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M Gates nói rằng việc nước này đưa quân tới Bulgaria và Romania là hành động khiêu khích không cần thiết và nỗ lực kết nạp Gruzia và Ukraine là điều thật sự thái quá, phớt lờ các lợi ích quốc gia sống còn của Nga. Đến hội nghị an ninh Munich (Đức) năm 2007, Tổng thống Putin đặt câu hỏi về lý do NATO mở rộng sát biên giới Nga sau sự tan rã của Liên Xô và sự giải tán của khối Hiệp ước Warsaw trong năm 1991. Thế nên, việc Nga châm ngòi cuộc chiến ở Gruzia năm 2008, sáp nhập Crimea và gây xung đột ở Đông Ukraine năm 2014 là một hệ quả có thể hiểu được.
Đa số dân Nga không muốn chiến tranh, nhưng ông Putin và cả hệ thống chính trị Nga đang hành động như thể bị dồn vào chân tường khi NATO kiên quyết kết nạp Ukraine.
ĐỨC TRUNG