01/12/2015 - 20:28

Sử dụng điện “câu đuôi” không an toàn

Trong những lần gặp gỡ và tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp gần đây, nhiều cử tri ở khu vực Tân Qui, phường Trường Lạc phản ánh trong khu vực có 26 hộ dân sử dụng điện "câu đuôi" đã trên 20 năm qua. Do sử dụng điện "câu đuôi", người dân phải đóng tiền điện với giá cao, nhưng nguồn điện không ổn định, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị đến các ngành, các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo nhiều người dân ở khu vực Tân Qui, khoảng 20 năm trước, do không có lưới điện quốc gia qua khu vực, nên mỗi hộ gia đình ở đây phải đóng khoảng 1 triệu đồng để đầu tư cột và kéo điện ở phường Phước Thới, vượt rạch Giáo Dẫn về sinh hoạt. Ông Đỗ Thanh Hiền, khu vực Tân Qui, bức xúc: "Hiện tại, người dân phải trả tiền điện với giá 2.700 đồng/kw. Mặc dù sử dụng điện tiết kiệm tối đa, nhưng gia đình tôi chi trả từ 400 - 500.000 đồng/ tháng". Đi dọc theo tuyến đường rạch Giáo Dẫn, chúng tôi có thể nhìn thấy nhiều tuyến dây điện do người dân tự kéo dọc theo hàng rào, vườn cây ăn trái và có đoạn thấp ngang đầu người, không an toàn. Đặc điểm chung của những người sử dụng điện "câu đuôi" ở đây là nhiều hộ sử dụng chung 1 đồng hồ điện, kéo dây dẫn điện xa hàng trăm mét để sử dụng. Ông Đỗ Thanh Hiền cho biết thêm: "Điều đáng lo ngại là tuyến dây điện này đã sử dụng trên 20 năm, nhiều đoạn dây đã bị tróc vỏ, nhiều nơi đấu nối sơ sài rất nguy hiểm. Tôi kiến nghị các ngành, các cơ quan chức năng xem xét, đầu tư lưới điện quốc gia để các hộ dân được sử dụng điện an toàn, tiết kiệm chi phí…".

Ông Tô Thanh Tràng phải thường xuyên kiểm tra tuyến điện, để đảm bảo an toàn cho người dân khu vực Tân Qui.

Để có nguồn điện an toàn, nhiều gia đình phải hùn tiền, tự sửa chữa lại các đoạn bị hư hỏng. Bà Nguyễn Thị Hòa, ở khu vực Tân Qui, than phiền: "Cách đây 2 tháng, tôi mua dây điện mới với số tiền gần 700.000 đồng để thay thế đường dây điện cũ. Mặc dù vậy, giờ cao điểm, nguồn điện chập chờn, kéo theo nhiều vật dụng đồ điện trong gia đình thường xuyên bị hư hỏng". Do tuyến điện được kéo ngang qua rạch Giáo Dẫn, nhiều phương tiện tàu, ghe lưu thông gặp nhiều khó khăn, và nguy hiểm. Ông Tô Thanh Tràng, khu vực Tân Qui, phản ánh: " Thời điểm, khoảng tháng 9 đến tháng 10 âm lịch, triều cường dâng cao, một số ghe, tàu tải trọng lớn phải dùng cây chống, đỡ dây điện chui ngang nên rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, dây điện được mắc chủ yếu vào cây tre nên lúc giông gió có thể bị gãy ngã bất cứ lúc nào và nguy hiểm cho người đi đường".

Trực tiếp trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Công Toán, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Lạc, cho biết: "Hiện tại, ngoài 26 hộ dân ở khu vực Tân Qui sử dụng điện "câu đuôi", trên địa bàn phường còn 2 điểm sử dụng đồng hồ cụm. Đầu năm 2015, Phòng Kinh tế và Điện lực Ô Môn phối hợp với UBND phường đến khảo sát. Tuy nhiên, đến nay UBND phường chưa nhận được trả lời cụ thể của các ngành chức năng là có đầu tư lưới điện ở đây hay không". Ông Toán kiến nghị: "UBND quận, các cơ quan chức năng của quận cần sớm xem xét đầu tư mới hệ thống lưới điện ở các khu vực chưa có lưới điện quốc gia. Đồng thời, lắp đặt đồng hồ điện lẻ cho từng hộ gia đình để không còn tình trạng sử dụng "cụm" điện, điện "câu đuôi" nhằm đảm bảo an toàn, tiết kiệm cho bà con".

Bài, ảnh: Khắc Việt

Chia sẻ bài viết