20/11/2016 - 16:45

Sức hút hàng Việt tại huyện U Minh

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập nhập mặn trong những tháng đầu năm 2016, thu nhập giảm đáng kể, nhưng phiên chợ Hàng Việt về U Minh mới đây vẫn thu hút đông đảo người dân huyện biển đến tham quan, mua sắm. Doanh số bán hàng của nhiều doanh nghiệp (DN) tăng so với những phiên chợ trước.

Đo lường sức mua của người dân

Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại huyện U Minh tỉnh Cà Mau do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Sở Công thương tỉnh Cà Mau tổ chức có 30 DN tham gia với 40 gian hàng bày bán đa dạng các mặt hóa mỹ phẩm, điện tử, thực phẩm, hàng may mặc… Lần này, DN mang đến cho người tiêu dùng vùng biển nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú, các mặt hàng bán tại phiên chợ giá cả phải chăng, đảm bảo về chất lượng.

Người tiêu dùng mua sắm ở phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. 

Theo nhiều người dân huyện U Minh, đời sống kinh tế gặp khó do chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn khiến cho việc nuôi tôm, canh tác lúa mùa không đạt năng suất và thu nhập giảm sút, nhưng khi biết được hàng Việt có chất lượng tốt nên đến mua. Gia đình chị Nguyễn Bích Thủy, khóm 3, thị trấn U Minh có hơn 2ha nuôi tôm, mỗi đợt thả khoảng 50.000 con tôm giống và sau 3 tháng là có thể thu hoạch. Thường tôm thu hoạch theo con nước (từ ngày 26-30 âm lịch), thu vào khoảng 10 triệu đồng nên cuộc sống khá ổn định. Gần đây, do nước mặn xâm nhập nên tôm chết nhiều, lượng tôm thu hoạch theo từng con nước sụt giảm khoảng 50% so với trước đây. Vì vậy, chồng chị đã bỏ nghề nuôi tôm, làm công nhân sửa chữa điện cho một nhà hàng ở Sài Gòn để kiếm thêm nguồn thu phụ giúp gia đình. "Cuộc sống có khó khăn hơn trước đây, nhưng nhiều mặt hàng bán tại phiên chợ có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng tốt, giá hợp lý, nên tôi quyết định mua thực phẩm, hóa phẩm và hàng may mặc... Đây là cơ hội để người dân tiếp cận hàng Việt chất lượng"- chị Thủy nói. Anh Huỳnh Quốc Thắng, khóm 1, thị trấn U Minh, chia sẻ: "Hiện tại, ao tôm thẻ chân trắng của gia đình không thể đạt chất lượng, sản lượng giảm đáng kể. Để đảm bảo chi phí sinh hoạt gia đình, tôi phải làm thuê và phụ hồ để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Đến với phiên chợ hàng Việt, nhiều sản phẩm đẹp khác xa với trước, chất lượng tốt, nên tôi cũng đã mua ngay những mặt hàng gia đình cần dùng".

Theo BSA, phiên chợ Hàng Việt về với huyện U Minh lần này, ngoài tạo cơ hội cho DN, giúp người dân huyện biển tiếp cận hàng Việt chất lượng, còn nhằm đo lường những thay đổi và sức chịu đựng ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhận diện thách thức cuộc sống của cư dân và sinh kế ven biển. Chị Trần Thị Diễm, tiểu thương kinh doanh hàng thời trang tại nhà lồng chợ Khánh Hội, xã Khánh Hội, huyện U Minh, cho biết: "Hai năm nay, do làm ruộng thất mùa, nuôi tôm cũng thất, thu nhập bị giảm sút nên bà con U Minh hạn chế mua sắm. Việc đánh bắt cá của ngư dân cũng giảm. Trước đây, ước tính mỗi con nước (từ 19 âm lịch đến mùng 10 của tháng sau) mỗi chuyến đi biển về, ngư dân thu nhập cả trăm triệu đồng, nhưng nay chỉ còn 50 triệu, thậm chí có lúc giảm còn 20 – 30 triệu đồng. Chợ Khánh Hội từng "rất sung", tiểu thương buôn bán thuận lợi vì ngoài ngư dân địa phương đánh bắt cá tại địa phương, còn có ngư dân Bến Tre hay Bạc Liêu đến trao đổi mua bán hàng hóa. Bây giờ chỉ còn dân địa phương". Giữa năm 2015, cả khu nhà lồng chợ Khánh Hội có 48 quầy kinh doanh đủ các loại hàng hóa nhưng hiện tại đã đóng cửa hơn phân nửa. Theo chị Diễm, tình trạng buôn bán ế ẩm từ sau Tết Nguyên đán đến nay khiến các tiểu thương nản lòng, cả khu hàng thời trang tới 12 gian hàng nay còn khoảng 3-4 gian mở cửa cầm chừng.

Niềm tin hàng Việt

Dù chịu nhiều ảnh hưởng của đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua, thu nhập giảm sút nhưng người tiêu dùng U Minh vẫn tin dùng hàng Việt. Nhiều doanh nghiệp, như: nhựa Duy Tân, nhựa Qui Phúc, cân Nhơn Hòa, khăn Pavarti, Bích Chi, Cholimex… có doanh số bán hàng khá cao và không đủ hàng để cung cấp cho người dân huyện U Minh, phải lấy từ các đại lý về để phục vụ bà con. Phiên chợ đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng và thị phần tại thị trường nông thôn. Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại huyện U Minh đã thu hút trên 16.500 lượt người tham quan và mua sắm, doanh số đạt 1,86 tỉ đồng.

Điểm thu hút người tiêu dùng U Minh tại phiên chợ Hàng Việt về nông thôn còn là hình ảnh ông chủ doanh nghiệp trực tiếp bán hàng để lắng nghe "tiếng nói" của khách hàng nhận định về hàng hóa của doanh nghiệp Việt. Anh Đặng Công Minh, Giám đốc Công ty khăn Parvati, trực tiếp giải thích với khách hàng về chất liệu, màu sắc, chất lượng của sản phẩm. Theo anh Minh, đây là lần thứ ba DN tới huyện U Minh, phần đông khách hàng đều nhận biết được hàng Parvati. Nhưng điểm mới mà DN nhận được đó là sự thay đổi xu hướng tiêu dùng. Nếu các phiên trước đây người dân thích sản phẩm thông thường, giá rẻ hay có khuyến mãi thì ở phiên chợ này bà con có xu hướng lựa chọn hàng cao cấp, kiểu dáng mới lạ... Doanh số của khăn Parvati đạt khoảng 10 triệu đồng/ngày dù không giảm giá. Anh Nguyễn Văn Thuận, phụ trách bán hàng của nhựa Qui Phúc, cho biết: Tham gia hầu hết các phiên chợ tại huyện U Minh, lần nào công ty cũng "cháy hàng" dù kênh phân phối sản phẩm của Qui Phúc đã có mặt tại đây. Nhiều mẫu bàn ăn làm bằng inox, tủ nhựa hay ghế nhựa của Qui Phúc có giá bình dân, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên bán khá chạy. Doanh số ngày đầu tiên Qui Phúc đạt trên 20 triệu đồng/ngày.

Có thể thấy rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng người tiêu dùng luôn tin, ủng hộ hàng Việt. Đây là cơ hội để DN nắm bắt và khai thác thị trường. Song, để niềm tin hàng Việt tồn tại vững chắc trong lòng người tiêu dùng thì những người chủ DN cần có cách tiếp cận thị trường hiệu quả và biết lắng nghe phản ánh của khách hàng.

Bài, ảnh: M. HOA

Chia sẻ bài viết