22/06/2024 - 21:28

Sri Lanka khủng hoảng kinh tế, bác sĩ ồ ạt di cư 

Trước tình trạng lạm phát tăng vọt và mức lương thấp trong nước, các bác sĩ Sri Lanka đang ồ ạt sang nước ngoài làm việc trong 2 năm qua, khiến nhiều bệnh viện tê liệt hoạt động.

10% bác sĩ rời khỏi đất nước

Điển hình như trường hợp của Lahiru Prabodha Gamage, một bác sĩ 35 tuổi người Sri Lanka đang làm việc cho Cơ quan Y tế Quốc gia Anh.

Các bác sĩ biểu tình vì tình trạng thiếu vật tư y tế ở thủ đô Colombo, Sri Lanka, hồi tháng 4 -2022.

Trước khi rời khỏi Sri Lanka vào tháng 1-2023, anh đã có 6 năm công tác tại một bệnh viện công ở thị trấn Hatton, cách thủ đô Colombo 120km về phía Đông. Đối với Gamage, ra đi không phải là một quyết định dễ dàng. Nhưng trước tình cảnh giá cả tăng vọt do nền kinh tế quốc gia sụp đổ, với tỷ lệ lạm phát chạm mức kỷ lục 73% vào cuối năm 2022, anh cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác.

Thực tế, Gamage không phải là trường hợp duy nhất. Theo Hiệp hội Cán bộ Y tế Chính phủ (GMOA, công đoàn lớn nhất của các bác sĩ chính phủ ở Sri Lanka), hơn 1.700 bác sĩ - tương đương gần 10% tổng số bác sĩ trên toàn quốc - đã di cư khỏi đất nước trong 2 năm qua, chủ yếu vì lý do kinh tế. Tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y đã tạo ra những ảnh hưởng rõ ràng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã mong manh của Sri Lanka.

Như hồi tháng 4-2023, các ca phẫu thuật khẩn cấp tại Bệnh viện Đa khoa Embilipitiya đã bị tạm hoãn suốt vài tuần sau khi 2 bác sĩ gây mê di cư. Tuy đã điều động một bác sĩ gây mê từ một bệnh viện gần đó đến làm việc tạm thời, nhưng vị bác sĩ sau đó cũng rời đi với lý do đi đào tạo ở nước ngoài. Tương tự, Bệnh viện Giảng dạy Anuradhapura cũng buộc phải tạm thời đóng cửa khoa nhi sau khi cả 3 bác sĩ làm việc tại đây di cư. Trước thực trạng đáng lo ngại đó, GMOA đã cảnh báo Bộ trưởng Y tế Ramesh Pathirana rằng gần 100 bệnh viện ở nông thôn đang đứng trước nguy cơ đóng cửa do các bác sĩ rời khỏi đất nước.

Những lý do có thể ngăn chặn

Trong cuộc phỏng vấn với đài Al Jazeera, các bác sĩ cho rằng những lý do khiến họ chọn “dứt áo ra đi” đều có thể được ngăn chặn. Đối với bác sĩ Gamage, thì ngoài mức lương thấp, cảm giác thiếu tôn trọng từ chính phủ khiến anh thêm thất vọng. Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, Gamage từng lập các trại y tế sau ca làm việc và cùng đồng nghiệp phát triển một ứng dụng hỗ trợ theo dõi liên lạc. Nhưng thay vì đánh giá cao những nỗ lực của họ, chính phủ lúc đó lại ký hợp đồng để sử dụng ứng dụng theo dõi khác của một công ty tư nhân.

Còn đối với bác sĩ tim mạch Eranda Ranasinghe Arachchi, người đã rời Bệnh viện Quốc gia ở Colombo để đến Bắc Ireland làm việc, thì 3  lý do khiến anh quyết định di cư là vì tài chính, điều kiện làm việc tốt hơn và một tương lai tươi sáng hơn. Vị bác sĩ 35 tuổi  nói rằng mình cảm thấy thiếu sự coi trọng từ xã hội.

Được biết, sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Người dân, bao gồm cả các bác sĩ, phải xếp hàng hàng giờ để mua thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và nhiều nhu yếu phẩm khác. Nhưng khi GMOA đưa ra yêu cầu dành hạn ngạch nhiên liệu đặc biệt cho bác sĩ, công chúng lại phản đối mạnh mẽ. “Suốt vài ngày, tôi đã phải xếp hàng nhiều giờ liền, nhưng rõ ràng là chúng tôi (các bác sĩ) có thể dành thời gian đó để điều trị cho bệnh nhân. Nhưng nhiều người không có tâm trạng để lắng nghe” - Arachchi kể.

Theo Arachchi, anh kiếm được khoảng 400 bảng/tháng khi còn là bác sĩ trung cấp ở Sri Lanka và kiếm được ít nhất 3.000 bảng/tháng khi làm việc ở cùng vị trí này tại Anh. Với tình trạng lạm phát chóng mặt ở Sri Lanka vào thời điểm đó, chi phí sống ở nước nhà và ở Anh gần như giống nhau, nhưng rõ ràng là anh có thể cải thiện thu nhập khi làm việc ở xứ sương mù. “Trong vòng một năm, tôi đã trả được khoản vay 1,5 triệu rupee (4.630 USD), nhưng nếu tôi ở Sri Lanka, tôi không thể tưởng tượng được điều đó”, anh cho biết.

Trong bối cảnh cả bệnh nhân và bệnh viện phải đối mặt với hậu quả nặng nề vì thiếu bác sĩ, GMOA đã đệ trình nhiều khuyến nghị lên chính phủ để cố gắng ngăn chặn “chảy máu chất xám” trong ngành y. Ông Hansamal Weerasooriya, thành viên ủy ban điều hành của GMOA, xác nhận việc các bác sĩ cho rằng họ đang nhận mức lương không tương xứng và những gì họ cống hiến cho đất nước bị đánh giá rất thấp. Ngoài ra, việc thiếu một hệ thống phát triển nghề nghiệp phù hợp và thiếu động lực làm việc ở những vùng xa xôi cũng góp phần khiến các bác sĩ mất niềm tin vào công việc.

NGUYỆT CÁT (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết