26/03/2019 - 05:29

Sốt kéo dài..., coi chừng bệnh Rickettsia, sốt mò, sốt Q 

Sốt kéo dài, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... thường thấy ở bệnh nhân bị sốt siêu vi, cảm cúm hay sốt xuất huyết, nhưng đó cũng là biểu hiện của bệnh Rickettsia, sốt mò hoặc sốt Q. Bệnh này ít gặp, biểu hiện lâm sàng không rõ ràng, nếu không được điều trị kịp thời, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh con mò (trên) và vết loét đặc trưng của bệnh sốt mò. Ảnh: Minh họa (internet)

Ảnh con mò (trên) và vết loét đặc trưng của bệnh sốt mò. Ảnh: Minh họa (internet)

Dễ chẩn đoán nhầm

Theo bác sĩ chuyên khoa I Lâm Tân Phương, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các biểu hiện bệnh của 3 bệnh này giống như nhiều bệnh khác. Hiện nay, trong vùng ĐBSCL chưa có BV nào xét nghiệm chẩn đoán bệnh này vì bệnh ít gặp, hóa chất không có, chưa có kỹ thuật làm. Vì thế, bác sĩ lấy máu bệnh nhân xét nghiệm các bệnh nghi ngờ, có tỷ lệ mắc cao như sốt xuất huyết, cúm, rubella, sốt rét, nhiễm khuẩn huyết, bệnh lao… loại trừ dần, rồi mới nghĩ đến bệnh nhân bị Rickettsia hoặc sốt mò, sốt Q.

Theo các bác sĩ, bệnh Rickettsia là một bệnh do nhiễm vi khuẩn Rickettsia. Động vật gặm nhấm như chuột, chó, mèo… mang vi khuẩn Rickettsia. Khi bọ chét, mạc (ấu trùng mạc), chấy rận cắn những vật này thì sẽ mang mầm bệnh và khi chúng cắn đốt người, vi khuẩn xâm nhập vào máu. Còn bệnh sốt mò, một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Điều đặc biệt là khi con mò mang mầm bệnh thì mầm bệnh này duy trì đến 3 đời mò. Khi bị mò cắn, tiết ra chất giảm đau nên phần lớn người bị đốt, cắn không biết. Vết đốt bằng đầu đũa và thời gian ủ bệnh có khi đến 21 ngày. Do vết đốt không đau, thường nằm ở vị trí khuất nên nhiều người bị cắn, đốt mà không hề hay biết. Mò thường sống nơi đất xốp, ẩm ướt như khe hang, ven sông, suối, bụi bậm, cây thấp…

Riêng với sốt Q, là một bệnh của súc vật (cừu, bò, dê, mèo, chim…) lây sang người qua chất thải của súc vật, nhau thai, sữa do tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua đường hô hấp. Đối với sốt mò, vết đốt chính là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh này. Tuy nhiên, bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài. Đến khi có biểu hiện bệnh thì vết đốt đã lành nên khó cho chẩn đoán. Nếu không kịp thời điều trị, cả ba bệnh trên đều có thể diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao.

Trong khi đó, theo bác sĩ Lâm Tân Phương, nếu được phát hiện sớm, ba bệnh này chỉ cần điều trị bằng kháng sinh phổ biến, rẻ tiền như azithromycin, doxycycline  là giảm sốt và khỏi bệnh.

Tăng cường năng lực điều trị

Giữa tháng 3-2019, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đến làm việc với Sở Y tế TP Cần Thơ, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ… về dự án “Nghiên cứu điều tra bệnh Rickettsia, sốt mò và sốt Q tại BV và cộng đồng trên toàn quốc”. Thời gian thực hiện 4 năm (2018-2022), chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2 năm đầu), nghiên cứu tại 27 BV ở 26 tỉnh, thành thuộc 8 vùng sinh thái trên cả nước. Giai đoạn 2 (2 năm sau) nghiên cứu tại cộng đồng thuộc 26 tỉnh, thành đã tham gia vào giai đoạn 1.

Dự án do Trung tâm nghiên cứu Y khoa Hải Quân Hoa Kỳ (NMRC) tài trợ với mục tiêu: Đánh giá sự lưu hành và sự phân bố của bệnh Rickettsia, sốt mò và sốt Q tại Việt Nam; nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm, báo cáo giám sát ca bệnh, phòng ngừa và kiểm soát bệnh Rickettsia, sốt mò và sốt Q cho đối tác tham gia nghiên cứu.

Ở giai đoạn 1, bệnh nhân có các biểu hiện sốt và có vết loét đặc trưng hoặc sốt và có ít nhất một trong các biểu hiện: nổi ban, đau đầu, đau cơ, xung huyết kết mạc, nổi hạch, gan to, lách to; và chưa tìm được nguyên nhân sau khi đã làm tất cả các xét nghiệm loại trừ mà bệnh viện có thể thực hiện như sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, cúm, rubella, cấy máu… Hoặc sốt và nghi ngờ do Rickettsia, đang trong tình trạng nặng, nguy kịch… lấy mẫu máu gởi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương xét nghiệm chẩn đoán bệnh Rickettsia, sốt mò và sốt Q.

Tại TP Cần Thơ, dự án đã triển khai tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào tháng 6-2018. Theo báo cáo của BV, có 6 bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Qua xét nghiệm máu 5 bệnh nhân, phát hiện 1 bệnh nhân dương tính với sốt mò. BV cũng hy vọng, khi tham gia dự án này được tăng cường năng lực xét nghiệm và chẩn đoán, điều trị bệnh Rickettsia, sốt mò và sốt Q.

H.HOA

Chia sẻ bài viết