06/08/2017 - 10:26

Nghịch lý Hàn Quốc:

Sống thọ nhưng nghèo 

Một nhóm các chuyên gia quốc tế trong nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí y khoa Lancet đã dự đoán rằng phụ nữ Hàn Quốc sinh ra vào năm 2030 có thể sống tới 90 tuổi, thọ hơn cả người Nhật.

Một cụ già Hàn Quốc nhặt thùng giấy kiếm sống qua ngày. Ảnh: Guardian

Nghiên cứu dự báo, người dân Hàn Quốc sẽ có tuổi thọ cao nhất trong số các nước công nghiệp hóa. Theo đó, đến năm 2030, tuổi thọ trung bình của phụ nữ xứ kim chi sẽ tăng 6,6 năm so với năm 2010, trong khi tuổi thọ của nam giới cũng lên tới 84.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng phơi bày một nghịch lý, trong khi tuổi thọ của người dân Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng thì gần một nửa những người trên 65 tuổi ở nước này hiện đang sống ở mức nghèo.

Một cuộc khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi năm 2011 cho thấy, 48,6% người cao tuổi của Hàn Quốc sống trong cảnh nghèo, cao nhất trong số 34 quốc gia thành viên OECD và khoảng ¼ trong số này sống một mình.

Tình trạng bị cô lập và trầm cảm đã khiến ngày càng nhiều người cao tuổi Hàn Quốc tự tử. Nếu như vào năm 2000 chỉ có 34 trong số 100.000 người cao tuổi Hàn Quốc tự tử thì con số này là 72 vào năm 2010. Lý do khiến cho nhiều người từ bỏ cuộc sống là vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình.

Không có tiền tiết kiệm và sự trợ giúp của gia đình

Tại Công viên Tapgol ở Thủ đô Seoul, hàng chục người cao tuổi mỗi ngày đều xếp hàng dài để nhận bữa trưa miễn phí tại một cơ sở từ thiện. Tình nguyện viên Kang So-yoon cho biết, cơ sở mở cửa quanh năm này được thành lập nhằm phục vụ cho khoảng 140 người mỗi ngày, nhưng hiện con số này đã tăng lên hơn 200 người.

“Lý do chính là vì nền kinh tế đang trong tình trạng xấu, người cao tuổi rất khó tìm việc. Đối với một số người, đây là bữa ăn duy nhất trong ngày của họ. Nếu họ không có con cái chăm sóc, chúng tôi là chỗ dựa duy nhất của họ. Nếu không, họ phải xin ăn trên đường” – cô Kang cho hay.

Theo Shin Kwang-yeong, giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang ở Seoul, dù nhiều người cao tuổi Hàn Quốc vẫn miệt mài làm việc nhưng họ không thể để dành đủ tiền tiết kiệm cho cuộc sống sau này do họ đã dành quá nhiều tiền bạc cho việc học hành của con cái.

Giáo sư Shin cho hay, theo truyền thống Hàn Quốc, con cái phải chăm sóc cha mẹ nhưng vì cấu trúc gia đình tại đây đã trải qua một sự chuyển đổi to lớn nên so với Nhật Bản, hiện có rất ít người già Hàn Quốc sống chung với những đứa con đã lập gia đình, cùng với đó là sự phân cực ngày càng gia tăng của xã hội khiến con cái gặp khó khăn trong việc hỗ trợ cha mẹ về mặt tài chính.

Tình hình tài chính của người cao tuổi Hàn Quốc nổi lên như một vấn đề then chốt trong cuộc bầu tử tổng thống hồi tháng 5 vừa qua. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã ưu tiên cải cách hệ thống phúc lợi xã hội.

Theo đó, ông cam kết nâng mức lương hưu cơ bản từ hơn 200.000 won lên 300.000 won/tháng, tăng gấp đôi số lượng việc làm cho lao động lớn tuổi cùng với tăng đáng kể mức lương hàng tháng. Ông cũng dự định trợ cấp điều trị Alzheimer - chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi cùng với các hình thức sa sút trí tuệ khác, chi nhiều tiền hơn cho lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi cũng như tăng cường xây dựng nhà ở xã hội cho người già.

Tỷ lệ người dân trên 65 tuổi  ở Hàn Quốc được dự đoán sẽ tăng lên mức 40% dân số vào năm 2060, cao hơn rất nhiều so với 13% hiện nay.

TRÍ VĂN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết